Tập trung mọi nguồn lực, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai
(BĐ) - Chiều 5.12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức họp trực tuyến, đánh giá tình hình các đợt mưa lũ vừa qua và công tác khắc phục thiệt hại tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bình Định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo thiệt hại do mưa lũ và phân tích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục, kiến nghị hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long phát biểu, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hỗ trợ Bình Định khắc phục hậu quả thiên tai. Ảnh: H.THU
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo hỗ trợ cho tỉnh Bình Định 200 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại sau thiên tai; hỗ trợ 2.000 tấn gạo cứu đói cho người dân vùng ngập lụt; Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ 20 tấn thuốc sát trùng phòng ngừa dịch bệnh phát sinh do ảnh hưởng môi trường sau lũ lụt. Về lâu dài, Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành đề án tổng thể về phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền Trung giai đoạn 2022 - 2026.
Tỉnh Bình Định cũng đề xuất Chính phủ quan tâm đầu tư xây mới hồ chứa nước Suối Lớn (huyện Vân Canh) trên lưu vực sông Hà Thanh, dung tích khoảng 20 triệu m3 để cắt lũ, giảm lũ cho TP Quy Nhơn và vùng phụ cận; nâng cấp để tăng dung tích hồ chứa nước Định Bình (từ hơn 226 triệu m3 lên 370 triệu m3) và hồ Núi Một (từ 110 triệu m3 lên 150 triệu m3) nhằm tăng hiệu quả cắt lũ đối với lưu vực sông Côn. Đề nghị Bộ GTVT kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các công trình trên quốc lộ và các tuyến đường tránh... để đảm bảo việc tiêu, thoát lũ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với những mất mát về con người, thiệt hại về tài sản của người dân các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; biểu dương nỗ lực của các địa phương trong công tác ứng phó.
Nguồn: BTV
Thủ tướng chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Về xử lý hỗ trợ khẩn cấp, các tỉnh cần tiếp tục rà soát lại nhu cầu, trước mắt hỗ trợ ngay cho 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo. Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, rà soát lại đề xuất hỗ trợ kinh phí. Nếu nguồn địa phương không đảm bảo được thì Trung ương phải chi kịp thời, hợp lý, hài hòa, đúng đối tượng, đảm bảo thực chất và có tác dụng. Trong đó, quan tâm trước hết hỗ trợ cho các gia đình có người chết, nhà cửa bị sập đổ. Về lâu dài, việc hỗ trợ di dời dân cư cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại những chỗ nào cấp thiết, đặc biệt là những nơi bị sạt lở...
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Qua thực tế thời tiết cực đoan, diễn biến khó lường trong các năm qua, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá kỹ lưỡng, rút kinh nghiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Phải luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phối hợp đồng bộ, thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp phòng, chống thiên tai, từ công tác dự báo, cảnh báo đến ứng phó kịp thời theo các đề án, phương án đã chuẩn bị sẵn cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cụ thể cho từng tỉnh, vùng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp trong công tác phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
HOÀI THU