Trường mầm non tư thục “gồng mình” vượt dịch
Các trường, nhóm lớp mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại TP Quy Nhơn, đang rất khó khăn, chật vật sau nhiều tháng tạm ngừng hoạt động do đại dịch Covid-19. Không có nguồn thu, nhiều cơ sở đã buộc phải ngừng trả lương giáo viên, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản.
Mỗi tháng Trường Mầm non Măng Non vẫn phải chi phí duy tu bảo dưỡng trường lớp, thiết bị, dụng cụ học tập… Ảnh: THU HIỀN
Theo Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 263 trường mầm non, nhóm lớp độc lập tư thục (gọi chung là cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập - GDMNNCL) tập trung ở 8 huyện, thị xã, thành phố (trừ 3 huyện miền núi). Cụ thể, có 47 trường/1.066 cán bộ, giáo viên, người lao động; 216 nhóm lớp độc lập tư thục/829 người lao động.
Trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,55% số trường mầm non trên toàn tỉnh; số nhóm lớp chiếm 30,15%; số lượng trẻ chiếm 26,72%.
Cố gắng cầm cự!
Riêng tại Quy Nhơn, từ giữa tháng 5.2021 đến nay, các cơ sở GDMNNCL vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Bà Nguyễn Ngọc Vinh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non, cho hay: Trường có 32 giáo viên, chỉ có đợt nghỉ dịch đầu tiên trường hỗ trợ được 2 triệu đồng/tháng/giáo viên và đóng BHXH. Nhưng đợt nghỉ dài năm 2021, trường không kham nổi. “Chúng tôi rất muốn hỗ trợ để đời sống giáo viên ổn định, các cô bám trường, bám lớp đợi ngày trường học mở cửa. Nhưng dịch bệnh kéo dài quá lâu, bản thân chủ trường cũng đang rơi vào cảnh khó khăn. Trẻ nghỉ học, nguồn thu không có nhưng trường vẫn phải duy tu bảo dưỡng trường lớp, trang thiết bị, dụng cụ học tập, trả phí dịch vụ, điện nước, internet… Cũng may không phải thuê đất nên đến giờ chúng tôi cố gắng cầm cự!”, bà Vinh thở dài.
Một số giáo viên của trường này không thể chờ đợi được nữa nên đã xin nghỉ việc.
Bà Trương Thị Phương Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non quốc tế Tuổi Ngọc (Quy Nhơn) nói rằng, trường có 58 cán bộ, giáo viên, người lao động, thời gian qua đơn vị cũng đưa ra nhiều phương án nhằm hỗ trợ. Đầu tiên là bám sát vào chính sách hỗ trợ của nhà nước để giáo viên hưởng theo Nghị quyết 68/NQ-CP và hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ. Nhà trường cũng đang báo cáo chủ đầu tư để xin hỗ trợ cho giáo viên.
“Thời gian nghỉ dịch, nhà trường cố gắng xây dựng các tiết học online để các cô không quên nghề và giữ chân học sinh; tổ chức tập huấn bồi dưỡng chuyên môn để các cô không bị mai một kiến thức. Nhưng tình hình thế này, hầu hết giáo viên đều phải tìm công việc khác để duy trì cuộc sống. Do đó, bên cạnh việc bám trụ, khi đại dịch qua đi, chúng tôi còn phải đối diện với thực trạng thiếu hụt giáo viên”, bà Nga trải lòng.
Trông đợi hỗ trợ
Bà Tô Thị Vân Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Măng Non, tha thiết mong đợi nhà nước ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ giáo viên trường tư thục. 2/3 số giáo viên của trường được đóng BHXH bắt buộc nên được hỗ trợ từ chính sách dành cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP và hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng số giáo viên còn lại chỉ có hợp đồng lao động, chưa có BHXH thì… không có gì.
Đề xuất gói hỗ trợ giáo viên và cơ sở mầm non tư thục
Tại kỳ họp Quốc hội tháng 11.2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay đã xây dựng phương án đề xuất gói hỗ trợ người lao động và cơ sở GDMNNCL khoảng 800 tỷ đồng, trong đó đi kèm một số cơ chế hỗ trợ vay vốn, vấn đề về thuế và các điều kiện hỗ trợ khác giúp cơ sở GDMNNCL vượt qua khó khăn; trình Chính phủ xem xét.
Nhìn nhận thực trạng giáo viên các cơ sở GDMNNCL rơi vào cảnh khó khăn khi trường học đóng cửa, bà Tô Thị Thu Hường, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, mong nhà nước sớm cân nhắc để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Quy Nhơn có 25 trường mầm non công lập, nhưng lại có đến 31 trường và 45 nhóm trẻ tư thục, đóng góp rất lớn vào hệ thống giáo dục mầm non. Ở một số ít cơ sở có “tiềm lực”, giáo viên được hỗ trợ chút ít chi phí trong một hai tháng, còn lại đành chấp nhận nghỉ việc không lương.
Bà Lương Thị Xuân Tâm, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho hay, mới có 414 cán bộ, giáo viên, người lao động của 54 cơ sở GDMNNCL được hưởng hỗ trợ theo chính sách chung của Chính phủ tại Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, trong khi số chưa được hỗ trợ là 1.570 người do không đủ điều kiện vì chưa tham gia BHXH. Còn các gói hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn có nhiều điều kiện ràng buộc, cơ sở GDMNNCL khó tiếp cận. Hiện đã có 9 cơ sở GDMNNCL nộp đơn xin dừng hẳn hoạt động.
“Nghị quyết 68/NQ-CP có mở ra hỗ trợ cho những người không đóng BHXH, do địa phương quyết định. Sở GD&ĐT đã tham mưu đề xuất đưa nhóm giáo viên cơ sở GDMNNCL có hợp đồng lao động nhưng không có BHXH vào hỗ trợ, để trình HĐND tỉnh. Mới đây, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ cũng mở rộng đối tượng hỗ trợ, Sở GD&ĐT tiếp tục kiến nghị đưa nhóm này vào diện được hỗ trợ”, bà Tâm cho biết.
THU HIỀN