Ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Mặc dù tỉnh Bình Ðịnh quyết liệt triển khai thực thi Luật Thủy sản, các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) đạt nhiều kết quả, song vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn tái diễn.
Còn nhiều khó khăn
Là một trong những chủ tàu sớm lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) từ tháng 8.2021, ngư dân Lê Văn Cu, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), chủ 2 tàu đánh bắt xa bờ BĐ 91347-TS, BĐ 91057-TS, chia sẻ: “Không những hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ nhiên liệu, ứng dụng KHKT trong khai thác, tỉnh ta còn sớm hỗ trợ chi phí giúp chủ tàu lắp thiết bị VMS. Nhờ đó, bà con ngư dân có điều kiện thực hiện sớm hơn các quy định pháp luật để đủ điều kiện vươn khơi khai thác thủy sản (KTTS). Việc lắp đặt thiết bị VMS không những giúp ngư dân vươn khơi an toàn, tuân thủ luật định, mà cơ quan quản lý thuận lợi hơn trong công tác quản lý tàu cá”.
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Chi cục Thủy sản tăng cường tuần tra, kiểm soát tàu cá, xử lý vi phạm hoạt động KTTS. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Cùng với việc duy trì hoạt động của các tổ IUU tại 3 cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh; quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý dữ liệu VMS đối với tàu cá Bình Định vượt ranh giới cho phép trên biển, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản phân quyền quản lý hệ thống VMS cho các cảng cá, UBND các huyện, thị xã, thành phố, BĐBP, CA tỉnh theo dõi và phối hợp xử lý các quy phạm theo quy định; triển khai trực Trạm bờ 24/24 giờ để theo dõi, quản lý tàu cá, xử lý các trường hợp tàu cá mất tín hiệu giám sát, tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển…
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho biết: Việc giám sát chặt chẽ tàu cá từ bờ ra biển tại tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là chúng ta đã quản lý được hoạt động của nhóm tàu khai thác vùng khơi. Tình trạng tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu cá không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển ngày càng giảm. Tuy nhiên, Bình Định còn khó khăn, đó là vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, mà hầu hết số tàu vi phạm đều xuất bến từ các tỉnh phía Nam đã lâu không về địa phương, nên chúng ta cần phải có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này. Có như vậy mới gỡ được “thẻ vàng”. Ngoài ra, tại vùng lộng, vùng ven bờ, số tàu cá hoạt động KTTS còn thiếu giấy tờ vẫn còn nhiều…
Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm
Năm 2020, Bình Định có 11 tàu/73 thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài; UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8/11 trường hợp với số tiền 7,2 tỷ đồng; tịch thu, bán sung công quỹ Nhà nước đối với 2 trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt và thả về. Năm 2021, có 16 tàu/97 thuyền viên vi phạm bị các nước trong khu vực bắt giữ; trong đó, có 14 tàu chiều dài dưới 15 m, 2 tàu cá chiều dài trên 15 m; các tàu cá này đều xuất bến ở các tỉnh phía Nam và hằng năm không về địa phương.
UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiến hành xác minh, củng cố hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Sở NN&PTNT tiến hành thu hồi giấy phép KTTS của tất cả các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, gửi đăng công khai trên website của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) danh sách tàu cá vi phạm IUU. UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chủ tàu, thuyền trưởng các tàu cá vi phạm; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo UBND xã, huyện, thị xã, thành phố có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài bắt giữ.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết: Chúng tôi tiếp tục phối hợp với BĐBP, CA tỉnh, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của ngư dân; củng cố hồ sơ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài. Đối với các trường hợp không có cơ sở pháp lý để xử phạt, Sở sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ NN&PTNT xin ý kiến chỉ đạo. Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát nghề cá. Phối hợp các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, chính quyền địa phương xử lý nghiêm đối với các tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới cho phép, tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển và đưa vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, các ban quản lý cảng cá, các tổ IUU trong và ngoài tỉnh yêu cầu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm khi tàu xuất, nhập bến...
ĐOÀN NGỌC NHUẬN