Giống đậu phụng LDH.09: Năng suất cao, chịu mặn tốt
Từ khi chuyển sang sử dụng giống đậu phụng LDH.09 trên diện tích canh tác khoảng 1 ha, mỗi năm gia đình bà Bùi Thị Bích Hạnh ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát) lãi chắc 100 triệu đồng. Bà Hạnh chia sẻ: “Tôi đã trồng qua nhiều giống đậu phụng rồi mà chưa thấy giống nào hợp với điều kiện đất nhiễm mặn như ở đây và cho năng suất cao đến vậy - hơn 35 tạ/ha. Nhờ vậy, thu nhập tăng gần gấp đôi so với trước và gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Thấy ruộng đậu của tôi tốt quá, bà con quanh đây cũng chuyển sang dùng giống LDH.09”.
Nông dân xã Cát Hải, huyện Phù Cát thu hoạch đậu phụng giống LDH.09. Ảnh: H.H
Giống đậu phụng LDH.09 do Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) chọn lọc và lai tạo, được khảo nghiệm sản xuất ở vùng duyên hải Nam Trung bộ năm 2014; được công nhận giống mới năm 2017; sản xuất thử tại Bình Định năm 2019; tháng 4.2021 được Cục Trồng trọt công nhận và bảo hộ. Ưu điểm LDH.09 là có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh, phù hợp trên đất cát ven biển tại Bình Định.
Bà Trương Thị Thuận, thành viên nhóm nghiên cứu giống đậu LDH.09 của ASISOV, cho biết: LDH.09 là giống mới hoàn toàn, được tạo ra theo phương pháp chọn lọc phả hệ từ tổ hợp lai đơn, đã qua khảo nghiệm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định; khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống đậu phụng. Song song với chọn tạo giống, nhóm chúng tôi còn hoàn thiện quy trình canh tác cho LDH.09 trên đất cát ven biển. Việc thực hiện đồng bộ giống mới và quy trình canh tác phù hợp giúp LDH.09 tăng năng suất 15%, giảm chi phí, nước tưới. Ưu điểm lớn của LDH.09 là có khả năng chịu mặn, kháng bệnh héo xanh tốt hơn so với các giống đậu phụng khác.
Dù LDH.09 xuất hiện chưa lâu nhưng với những ưu điểm vượt trội nên ngay trong thời gian trồng thử nghiệm đã được người dân đón nhận. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỉnh Bình Định có khoảng 400 ha đậu phụng sử dụng giống LDH.09, tập trung chủ yếu tại các xã ven biển như: Cát Hải, Cát Tài, Cát Hanh (huyện Phù Cát), Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ)...; năng suất bình quân đạt trên 35 tạ/ha, cao hơn khoảng 16,5% so với giống đậu đối chứng.
Ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Giống đậu phụng LDH.09 thích hợp với chân đất cát, nhiễm mặn của huyện. Mở rộng diện tích trồng đậu phụng, bao gồm giống LDH.09, là một trong những định hướng phát triển sản xuất của huyện.
Theo thống kê của Phân viện Thiết kế nông nghiệp miền Trung, Bình Định có 12.759 ha diện tích đất mặn, chiếm 1,6% diện tích đất tự nhiên. Đậu phụng được xem là cây chủ lực trong các loại cây trồng cạn. Thời gian qua, nhiều giống đậu phụng năng suất cao như: LDH.01, HL.25, MD.7; L.14 đã được đưa vào trồng tại Bình Định, song chủ yếu là trồng trên các loại đất phù sa và đất cát không nhiễm mặn. Việc có thêm giống đậu phụng phù hợp với khu vực có chân đất nhiễm mặn như LDH.09 sẽ góp phần phát huy tối đa hiệu quả sản xuất, góp phần đáng kể cho sự phát triển KT-XH của khu vực này.
HỒNG HÀ