Dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân
Đảng là tổ chức chính trị của giai cấp (GC), mang tính GC, là sự liên kết tự nguyện của những người cùng chí hướng và cùng quyền lợi. Nói cho cùng, bản chất của đảng chính trị chính là bản chất GC. Trong xã hội có GC, thậm chí có nhiều GC, sự xuất hiện của nhiều đảng là lẽ bình thường. Dù dưới màu sắc dân tộc hay tôn giáo, tên gọi có khác nhau, nhưng đảng thực chất là đảng chính trị. Đảng thực hiện mục tiêu chính trị của nó là giành chính quyền, là cầm quyền, dưới nhiều hình thức, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể: về tương quan lực lượng giữa các giai cấp, các bộ phận trong xã hội, mỗi nước có thể có một đảng hoặc nhiều đảng.
Khi nói tới đảng chính trị và dân chủ trong điều kiện xã hội phân chia GC, thì đảng chính trị và dân chủ không thể không liên quan tới vấn đề GC, vấn đề chấp chính và vấn đề cầm quyền. Không thể có đảng chính trị chung chung phi GC, cũng như không thể có nền dân chủ trừu tượng “vô bờ bến”, không mang tính GC, tính lịch sử cụ thể. Do đó, khi xem xét mối quan hệ giữa đảng và dân chủ, vấn đề đặt ra đảng nào cầm quyền đem lại quyền lực cho ai ? Lợi ích cho ai?
Dưới chủ nghĩa tư bản, dân chủ nằm trong tay GC tư sản, bảo đảm quyền dân chủ cho số ít là GC tư sản và đồng minh của họ. Thế mà có người lại nói, dân chủ là phải đa đảng. Ở Mỹ, ai cũng thấy rằng, suốt hơn 236 năm qua, kể từ khi nước Mỹ ra đời, chỉ có hai đảng - Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ - hai đảng lớn nhất của GC tư sản thay nhau cầm quyền. Tuy là hai đảng nhưng không thể tìm thấy sự khác nhau về bản chất, về lập trường GC và hệ tư tưởng của hai đảng ấy, và nếu có khác thì chỉ khác ở tên gọi và một số chính sách cụ thể.
Cũng có người cho rằng, phổ thông đầu phiếu là một trong những biểu hiện cao nhất của dân chủ, thì người phụ nữ ở các nước tư bản trước đây bị tước mất quyền này và họ phải đấu tranh vật lộn, thậm chí đẫm máu mới có quyền được bầu cử, ở Anh năm 1928, Pháp năm 1944, Ý năm 1945, Tây Ban Nha năm 1980, Thụy Sĩ năm 1981, Mỹ năm 1920. Do vậy, họ nói rằng tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân thì quyền đó ở chỗ nào? Phải chăng như thế là dân chủ đích thực?
Cuối thế kỷ XX, chế độ XHCN Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản các nước đó mất quyền lãnh đạo, những người nhân danh dân chủ đã có những cuộc truy đuổi, đe dọa những người cộng sản liên tiếp xảy ra. Tất cả các lực lượng đối lập với Đảng Cộng sản đều đồng thanh cho rằng con đường dân chủ tốt nhất là để Nhân dân lựa chọn đại biểu của mình trong hệ thống nhà nước. Song ở đâu, những người cộng sản thắng thế và đắc cử thì lập tức ở đó rộ lên sự chống phá, thậm chí cả đe dọa, khủng bố những người cộng sản. Thì ra, đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập đâu phải là sự đồng nghĩa với việc mở rộng và thực thi dân chủ chân chính; đâu phải là mọi người dân, mọi tầng lớp đều có quyền tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội mà nền dân chủ đích thực đòi hỏi một cách tự nhiên.
Dân chủ là khát vọng của toàn nhân loại, mang giá trị chung của nhân loại. Nhưng trên con đường vươn tới khát vọng đó, nó bị chi phối bởi các đảng chính trị và mang dấu ấn của điều kiện KT-XH cụ thể. Các con đường vươn tới dân chủ, do đó cũng khác nhau, không thể dập khuôn, bắt chước hay áp đặt nào; cũng không thể lợi dụng cái gọi là dân chủ để làm rối loạn tình hình, vi phạm độc lập chủ quyền và quyền tự quyết của quốc gia, dân tộc.
TRUNG NGÔN