“Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”
(BĐ) - Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 thường niên lần thứ 3, với chủ đề “Phục hồi và phát triển KT-XH bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”, diễn ra sáng 6.12. Cùng tham dự và chủ trì Diễn đàn với Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Diễn đàn được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và 30 điểm cầu quốc tế. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang cùng đại diện các sở, ngành tham dự tại điểm cầu Bình Định.
Các đại biểu dự Diễn đàn tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: HOÀNG QUÂN
Tại diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận định: Từ tháng 12.2019 đến nay, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường đang làm thay đổi sâu sắc mọi mặt về KT-XH thế giới. Kinh tế toàn cầu năm 2020 suy thoái sâu, GDP giảm 3,1%, thu nhập bình quân giảm 6%, việc làm năm 2021 giảm 100 triệu và dự báo năm 2022 giảm khoảng 26 triệu.
Việt Nam cũng đang chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 đến các hoạt động KT-XH, đời sống nhân dân, ảnh hưởng cả cung - cầu trước mắt và lâu dài. Dự báo dịch Covid-19 còn khó lường, nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và DN. Nhu cầu cấp bách hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển KT-XH bền vững thời kỳ hậu Covid-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.
Tại phiên toàn thể, các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung trao đổi xoay quanh các nội dung lớn: Hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển KT-XH của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; mô hình, chính sách đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Hai nhiệm vụ này có sự gắn kết chặt chẽ, là hai mặt của một quá trình, phòng chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì mới có thể phát triển KT-XH và phát triển KT-XH thì mới có nguồn lực để phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Thủ tướng nêu một số định hướng lớn trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19 như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất; có kế hoạch bảo đảm vắc xin và thuốc điều trị. Việt Nam đặt mục tiêu chậm nhất trong tháng 12.2021 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi, tích cực tiêm mũi 3 và tiêm cho người từ 12 tuổi; đồng thời, nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi.
Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng như đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo đảm an sinh xã hội dựa trên 3 trụ cột chính là giảm thiểu, khắc phục và phòng ngừa rủi ro để người lao động, người dân có công việc, thu nhập và cuộc sống ổn định.
HOÀNG QUÂN