KỶ NIỆM 219 NĂM NGÀY MẤT ĐÔ ĐỐC BÙI THỊ XUÂN (1802 - 2021):
Một bậc nữ lưu kiệt xuất
Ngày 9.12.2021 (6.11 âm lịch) là kỷ niệm lần thứ 219 ngày mất Đô đốc Bùi Thị Xuân (1802 - 2021). Nhớ ngày này, ta cùng ôn lại một thuở hào hùng oanh liệt của dân tộc và bày tỏ lòng biết ơn, tôn kính đối với một nữ danh tướng hiếm hoi của Việt Nam.
Bùi Thị Xuân sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở làng Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), lớn lên trong thời kỳ đầy biến động của đất nước, khi các thế lực phong kiến tranh giành địa vị đẩy đời sống nhân dân vào cảnh khốn cùng. Năm 1771, phong trào nông dân Tây Sơn bùng nổ, Bùi Thị Xuân lập tức trở thành một thành viên cốt cán, là vị anh thư hết lòng giúp rập nhà Tây Sơn.
Án thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân tại Bảo tàng Quang Trung.
Tinh thông võ nghệ, có tài luyện voi, cầm quân ra trận, Bùi Thị Xuân được Nguyễn Nhạc giao trọng trách thuần dưỡng và huấn luyện đội voi chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn đội tượng binh của bà đã đến hàng trăm thớt. Chính đội tượng binh này đã gây bao nỗi kinh hoàng, khiếp đảm cho kẻ địch, góp phần quan trọng vào chiến công vang dội của đội quân áo vải Tây Sơn trong trận đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa xuân Kỷ Dậu 1789 gắn liền với tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng dân tộc Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Năm 1778, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc phong cho Bùi Thị Xuân chức Đô đốc chỉ huy lực lượng cấm quân bảo vệ kinh thành Hoàng Đế. Năm 1785, bà lại theo Nguyễn Huệ vào miền Nam dự trận thắng lớn Rạch Gầm - Xoài Mút tiêu diệt 5 vạn quân Xiêm xâm lược. Từ năm 1786 đến 1792, Bùi Thị Xuân cùng chồng là quan Thiếu phó Trần Quang Diệu dưới lá cờ đại nghĩa Tây Sơn đã cùng Nguyễn Huệ nhiều lần vào Nam ra Bắc tiêu diệt các thế lực phong kiến cát cứ Lê, Trịnh, Nguyễn, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm.
Năm 1792, sau khi Hoàng đế Quang Trung băng hà, dưới thời vua Cảnh Thịnh, Đô đốc Bùi Thị Xuân vẫn được tin cậy giao trọng trách chỉ huy cấm vệ quân bảo vệ kinh đô Phú Xuân.
Năm 1802, Đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy 5.000 quân trong trận lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) khiến quân Nguyễn Ánh khiếp sợ, nhưng cuối cùng vì tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn, bà sa vào tay giặc và bị áp giải về Phú Xuân hành quyết. Ngay khi đối diện với cái chết, Bùi Thị Xuân vẫn tỏ rõ khí phách hiên ngang, đón nhận cái chết trước pháp trường như những người tuẫn tiết vĩ đại, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân.
Đô đốc Bùi Thị Xuân cũng như chồng là quan Thiếu phó Trần Quang Diệu đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nhân dân, chống giặc ngoại xâm, thống nhất quốc gia vào cuối thế kỷ XVIII. Tên tuổi của bà đã đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Bà mất ngày 30.11.1802 (nhằm mùng 6.11 năm Nhâm Tuất) tại Phú Xuân, Huế.
Ngày nay, nhắc đến vương triều Tây Sơn, cùng với việc nhắc nhớ đến Tây Sơn Tam kiệt, người ta thường kể ngay đến nhưng văn thần võ tướng tài ba như: Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhậm, Ngô Văn Sở và không bao giờ quên bậc nữ lưu kiệt xuất như Bùi Thị Xuân. Với những đóng góp vô cùng to lớn của bà đối với vương triều Tây Sơn, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định Đô đốc Bùi Thị Xuân là nhân vật, hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
LÊ THỊ HƠN