Siết chặt kỷ cương phòng, chống dịch để hạn chế ca bệnh
Ngày 7.12, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh - đã triệu tập cuộc họp Ban Chỉ đạo để thống nhất một số giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và lây lan rộng ra cộng đồng.
Số ca mắc tăng nhanh
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 29.6 đến 6.12.2021, tỉnh Bình Định đã phát hiện 5.727 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.733 ca lây nhiễm trong cộng đồng (65,2%). Đặc biệt, từ ngày 15.10 đến 6.12, đã phát hiện 4.169 ca, trung bình ghi nhận 76,6 ca/ngày, tăng 65,6 ca/ngày so với giai đoạn trước ngày 15.10. Nếu chỉ tính riêng trong 2 tuần gần nhất (từ ngày 23.11 đến 6.12), đã có thêm 2.670 ca mắc mới, bình quân 190 ca/ngày; tính riêng từ ngày 30.11 đến 6.12, số ca mắc trung bình lên đến 227,4 ca/ngày.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tổ chức tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi.
- Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP Quy Nhơn). Ảnh: THẢO KHUY
Hiện tại, số trường hợp đã điều trị khỏi là 3.298 ca (57,59%); 25 ca tử vong (0,43%); 2.404 ca đang cách ly, điều trị (41,98%), trong đó có 1.016 F0 đang điều trị tại nhà. Đến nay, Bình Định đã tiếp nhận trên 1,918 triệu liều vắc xin; đã tổ chức tiêm được trên 1,617 triệu liều, trong đó tỷ lệ bao phủ vắc xin mũi 1 đạt 88%, tiêm đủ 2 mũi đạt 61%.
Theo ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, dự báo tình hình dịch bệnh trong những ngày sắp tới tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca bệnh sẽ tăng rất nhanh, từ 200 - 250 ca/ngày, nếu tổ chức tầm soát kỹ có thể phát hiện 1.000 ca bệnh/ngày, do đã phát sinh nhiều ổ dịch lây lan trong cộng đồng. “Những địa bàn “nóng” về dịch bệnh hiện nay là TP Quy Nhơn với số ca mắc Covid-19 tăng rất nhanh và gần như không kiểm soát được; tiếp đến là Tuy Phước, An Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn. Hoài Nhơn, Vân Canh... là những địa phương đang kiểm soát dịch bệnh tốt nhất”, ông Lê Quang Hùng nhận định.
Tuy số ca mắc tăng nhanh, nhưng qua thực tế công tác điều trị cho thấy tín hiệu rất khả quan. Trong số 2.040 ca bệnh đang điều trị chỉ có 1 trường hợp thở máy và 1 trường hợp thở oxy dòng cao; trên 99% số bệnh nhân thuộc thể nhẹ, không triệu chứng, được dùng thuốc 5 ngày thì khỏi bệnh; tỷ lệ ca tử vong do mắc Covid-19 cũng rất thấp, chỉ chiếm 0,43% và hầu hết rơi vào những người lớn tuổi, có bệnh nền.
Ngành Y tế đã tăng cường năng lực thu dung, điều trị người bệnh Covid-19; thực hiện việc phân tầng điều trị tại các cơ sở y tế; đảm bảo trang thiết bị y tế, nhân lực để điều trị cho người bệnh thể vừa và nặng tại BVĐK tỉnh và BVĐK khu vực Bồng Sơn; và đang chuẩn bị các phương án mở rộng cơ sở điều trị tại TX An Nhơn, Hoài Nhơn..., đảm bảo số giường hồi sức cấp cứu để đáp ứng tình hình dịch bệnh ở cấp độ 4. Việc triển khai mô hình điều trị F0 tại nhà và thiết lập các trạm y tế lưu động tại các địa phương cũng đã cho thấy hướng đi đúng trong việc tăng cường khả năng thu dung, điều trị bệnh.
Siết chặt kỷ cương để hạn chế các ca bệnh ở mức thấp nhất
Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh, nhận định mức độ lây lan của dịch bệnh là rất khủng khiếp; trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan công quyền hầu như buông lỏng và chủ quan. Đồng chí đề nghị cùng với việc đánh giá, công bố cấp độ dịch đến xã, phường, thị trấn, phải có biện pháp kiểm soát đối với từng vùng, từng địa bàn, nhất là nâng cao ý thức phòng dịch của người dân.
Bày tỏ mối lo ngại sâu sắc trước tình hình ca bệnh Covid-19 tăng nhanh trong khi khả năng thu dung, điều trị của ngành Y tế tỉnh còn hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: Phải siết chặt lại kỷ cương để có thể hạn chế các ca bệnh ở mức thấp nhất. Các đồng chí trong ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp tỉnh và các địa phương, lực lượng tuyến đầu chống dịch, từng ngành, từng cán bộ ở vị trí công tác của mình cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Hiện Ban Chỉ đạo tỉnh đã thành lập 9 đoàn công tác do các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ làm trưởng đoàn, có nhiệm vụ bám sát các địa bàn, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch ở các địa phương.
Ngay từ bây giờ, ngành Y tế phải xây dựng lại kịch bản mới để đối phó với tình hình dịch bệnh. Rà soát và huy động tối đa các cơ sở thu dung, điều trị trong và ngoài bệnh viện; đánh giá năng lực, nhân lực y tế công lập và tư nhân, trang thiết bị; tình hình hoạt động của các trạm y tế lưu động, việc cách ly, điều trị F0 tại nhà... Rút kinh nghiệm công tác điều trị vừa qua, các địa phương phải thành lập bộ phận điều phối, xử lý để ngay khi có trường hợp F0 có thể khám sàng lọc và quyết định việc để điều trị tại nhà hay phải vào bệnh viện; phải nhanh chóng hoàn thiện quy trình điều trị F0 tại nhà.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức gắn với xử lý nghiêm khi người dân, DN, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành quy định; mỗi người dân phải nâng cao ý thức bảo vệ mình, gia đình gắn liền với bảo vệ cộng đồng. Ngành chức năng cần tập trung rà soát, phân vùng, dập dịch theo phương án đã ban hành, phù hợp với tình hình mới và phải làm hết sức khẩn trương. Các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm túc việc tầm soát dịch thường xuyên 1 tuần/lần; cơ quan, đơn vị nào không thực hiện để xảy ra ca bệnh sẽ xử lý kỷ luật người đứng đầu.
Tỉnh cho phép các địa phương linh động quy định tạm thời cấp độ dịch để xử lý linh hoạt trong tuần đó, tránh tình trạng chậm trễ. Về việc tiêm vắc xin, đề nghị ngành Y tế xác định lại số lượng cụ thể của từng địa phương, báo cáo chính xác số người cần tiêm vắc xin và đến ngày 15.12.2021 phải hoàn thành việc bao phủ vắc xin.
NGỌC QUỲNH