Tây Sơn khẩn trương triển khai sản xuất vụ Ðông Xuân
Vụ Ðông Xuân 2021 - 2022, huyện Tây Sơn đưa vào sản xuất 5.240 ha lúa, nhưng các đợt mưa lũ liên tục trong tháng 11.2021 đã làm ảnh hưởng khá lớn đến công tác chuẩn bị. Ngay sau khi mưa dứt, từ ngày 1.12, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân huyện Tây Sơn bắt tay ngay vào việc khắc phục thiệt hại, đảm bảo tiến độ sản xuất.
Khắc phục hậu quả mưa lũ
Đã 3 ngày liên tiếp hốt cát, đất bồi lấp để đắp lại bờ ruộng, gia cố đập bổi để kịp xuống giống vụ Đông Xuân vào ngày 10.12, nhưng bà Ngô Thị Kim Hồng ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú mới làm được non nửa. Bà Hồng cho hay: “Chưa bao giờ ruộng nhà tôi lại bị bồi lấp nhiều như năm nay. Chỉ một mình tôi làm nên không dám ngơi nghỉ, tranh thủ mỗi ngày làm một ít để kịp xuống giống. Nếu không đóng cọc, gia cố bờ cho chắc chắc, sau khi xuống giống nếu gặp mưa lũ nữa thì nước mương lại phá bờ cuốn trôi mọi thứ”.
Nông dân thôn Phú Thọ, xã Tây Phú tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ, chuẩn bị xuống giống sản xuất lúa Đông Xuân. Ảnh: M. MIÊN
Các đợt mưa lũ vừa qua đã phá vỡ 20 m kênh chính của hệ thống kênh tưới do HTXNN Thượng Giang, xã Tây Giang quản lý, làm trên 500 m bờ vùng, bờ thửa, tràn bàu bị hư hỏng, sa bồi 3 ha đất sản xuất. Để đảm bảo phục vụ sản xuất 140 ha lúa Đông Xuân đúng tiến độ, cùng với việc từng chủ ruộng chủ động khắc phục thủ công, HTX đã điều thêm phương tiện cơ giới khẩn trương sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng và hỗ trợ bà con xã viên khắc phục những diện tích bồi lấp nặng.
Ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang, cho biết: “Hầu hết các diện tích đã được các xã viên HTX tổ chức cày ngâm, cày ải để diệt cỏ dại, lật phơi đất; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư để tiến hành gieo sạ đảm bảo lịch thời vụ. Chúng tôi đã bán 16 tấn lúa giống theo giá hỗ trợ 8.300 đồng/kg đủ để gieo sạ 140 ha lúa toàn HTX, tổng kinh phí hỗ trợ lúa giống đợt này là 133 triệu đồng. Ngoài ra những ngày qua, HTX còn chi trên 10 triệu đồng để giúp bà con sớm khôi phục đồng ruộng, khơi lại hệ thống kênh mương, đường nội đồng bị vùi lấp, xói lở do mưa lũ, tất cả nhằm giúp bà con sớm khắc phục các thiệt hại để sản xuất đúng lịch thời vụ”.
Chính quyền tích cực hỗ trợ nông dân
Đến thời điểm hiện tại, tranh thủ trời nắng ráo, nông dân huyện Tây Sơn đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân đúng cơ cấu và lịch thời vụ đã đề ra. Đối với diện tích lúa chân cao sạ cưỡng đã gieo sạ xong trong tháng 11.2021. Chân ruộng 2 vụ/năm gieo sạ tập trung từ ngày 10 - 25.12. Chân ruộng trũng, nước rút đến đâu gieo sạ đến đó, đảm bảo kết thúc công đoạn gieo sạ vào cuối tháng 1.2022.
Đồng thời, các xã, thị trấn đã phát động phong trào diệt chuột trong các ngành, hội, đoàn thể, các HTX và các khu dân cư trên địa bàn, nhằm giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra trong vụ Đông Xuân, với mức giá mua đuôi chuột từ 2.000 - 3.000 đồng/đuôi.
Năm nay, huyện Tây Sơn tiếp tục duy trì và phát triển 9 cánh đồng mẫu lớn/500 ha lúa, trong đó có 200 ha áp dụng quy trình canh tác cải tiến SRI. Hầu hết các xã, thị trấn đều bố trí ngân sách hỗ trợ lúa giống cho nông dân sản xuất, động viên nông dân tham gia liên kết sản xuất các cánh đồng lớn.
Lần đầu tiên tham gia mô hình cánh đồng lớn sản xuất 150 ha lúa do xã Tây Phú triển khai, bà Trần Thị Hoa ở thôn Phú Thọ phấn khởi: Mọi năm để sản xuất cho 5 sào ruộng, tôi phải chi khoảng 1,2 triệu đồng để mua lúa giống. Năm nay nhờ được xã hỗ trợ nên tôi tiết kiệm được 750 nghìn đồng. Do dịch bệnh ảnh hưởng, giá vật tư sản xuất tăng cao nên khi được chính quyền quan tâm hỗ trợ, bà con ai cũng vui.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, nhấn mạnh: Cùng với việc nhân rộng các cánh đồng mẫu, cánh đồng lớn, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề chuyển đổi cơ cấu, mùa vụ. Vụ Đông Xuân này huyện Tây Sơn tiếp tục chuyển đổi 232,6 ha đất lúa, đất mì, mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn phù hợp hơn như: Đậu phụng, mè (ở các xã Bình Thuận, Bình Tân); trồng rau, đậu, bắp sinh khối, cỏ chăn nuôi (Tây An, Tây Bình, Tây Vinh, Tây Thuận, Tây Phú), hoặc chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa xen canh 1 vụ màu. Đặc biệt, huyện sẽ tích cực hỗ trợ để chuyển giao tiến bộ KHKT, xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao để hướng bà con nông dân chuyển dần sang nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
MỘC MIÊN