Trường ĐH Quy Nhơn: Kết nối khoa học với cộng đồng
Tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ trong công nghiệp 4.0 để thu thập, phân tích dữ liệu nhằm cải thiện sinh kế và điều kiện sống của người nông dân - đó là nội dung của Chương trình hợp tác phát triển năng lực đại học của Trường ĐH Quy Nhơn (QNU) triển khai dưới sự tài trợ của Chính phủ Bỉ.
Đầu năm 2021, Chương trình hợp tác phát triển đại học (gọi tắt là chương trình IUC) với tiêu đề “Nâng cao năng lực Trường Đại học Quy Nhơn phục vụ nghiên cứu cải thiện sinh kế và điều kiện sống cộng đồng dân cư vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo hướng phát triển bền vững” do QNU đề xuất đã được Ban phát triển đại học VLIR-UOS (Chính phủ Bỉ) lựa chọn. Điểm đặc biệt là với sự lựa chọn này QNU trở thành đại diện duy nhất ở châu Á được Chính phủ Bỉ đầu tư để triển khai trong 10 năm tới.
PGS TS Vũ Thị Ngân, Chủ nhiệm chương trình IUC phía QNU cho biết: Người nông dân Bình Định nói riêng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung đang đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các thách thức khó khăn còn do tập quán canh tác và thói quen lạc hậu trong việc bảo quản nông sản, sử dụng năng lượng, xả rác và nước thải sinh hoạt trực tiếp ra môi trường...
Ông Nguyễn Trọng Đào (thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) cho biết: “Lo ngại nhất của người nông dân ở đây là tình trạng xâm hại và phá hoại rễ cây của mối. Để xử lý một cây bị mối phá rễ cho năng suất bình thường trở lại phải mất từ 4 - 5 năm. Khó khăn nữa là tình trạng lão hóa của đất. Cây trồng từ 3 - 4 năm đầu cho quả năng nuất cao, nhưng đến 5 - 6 năm sau cây bắt đầu lão hóa, năng suất giảm dần, thu nhập cũng giảm theo”. Khu vườn của ông Đào là một trong nhiều điểm khảo sát thực tế của QNU. Nhiều chuyến đi như vậy giúp các chuyên gia của QNU xác định vấn đề người dân đang cần; sau đó đánh giá, tìm nguyên nhân và trên cơ sở đó xây dựng các giải pháp cụ thể để giải quyết những thách thức mà người nông dân đang đối mặt.
Chương trình IUC của QNU nhằm phục vụ cải thiện sinh kế và điều kiện sống của người nông dân. - Trong ảnh: Vườn bơ của ông Nguyễn Trọng Đào ở huyện Vân Canh. Ảnh: HỒNG HÀ
Trong khuôn khổ chương trình IUC, QNU sẽ triển khai 7 dự án nghiên cứu, trải dài trên các lĩnh vực từ nông nghiệp, thực phẩm cho đến môi trường, năng lượng tái tạo; được thực hiện tại Bình Định và vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong lĩnh vực nông nghiệp, QNU sẽ nghiên cứu tìm ra các giải pháp để chăm sóc trước thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, đến chuỗi cung ứng bền vững. Với vấn đề năng lượng, QNU đưa ra các giải pháp nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo vào việc phơi sấy nông sản và giải quyết ô nhiễm môi trường trong sản xuất biogas. Đặc biệt, chương trình sẽ phát triển hệ thống cảnh báo lũ sớm để áp dụng trên các lưu vực sông ở Nam Trung Bộ trên cơ sở ứng dụng các công nghệ trong công nghiệp 4.0 để thu thập và phân tích dữ liệu. Nhờ đó, người dân sẽ có được những thông tin, dữ liệu tin cậy để phòng chống bão, lũ trong mùa mưa bão.
PGS TS vũ Thị Ngân chia sẻ: “Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện các nghiên cứu, triển khai các ứng dụng KH&KT nhằm nâng cao sinh kế bền vững, cải thiện môi trường sống của người dân và nâng cao chất lượng sống của họ. Chúng tôi tiếp cận vấn đề sinh kế của người nông dân một cách tổng thể và từ gốc rễ thông qua các vấn để nổi cộm của vùng”.
Đáng chú ý, chương trình IUC của QNU sẽ được hỗ trợ về khoa học từ nhiều trường đại học danh tiếng vùng Flanders của Vương quốc Bỉ như: ĐH KU Leuven, ĐH Ghent, ĐH Hasselts, Trường ĐH Hogent. Thời gian qua, QNU đã tổ chức nhiều sự kiện để kết nối và tìm kiếm các đối tác phía Bỉ tham gia dự án. Đến nay, chương trình đã xây dựng được 7 nhóm dự án (mỗi dự án gồm một nhóm dự án tại QNU và một nhóm dự án tại Bỉ), đã bổ nhiệm các chủ nhiệm dự án hai phía, thành lập văn phòng điều phối chương trình IUC.
TS Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc điều hành Chương trình IUC cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị mọi điều kiện để chính thức khởi động giai đoạn 5 năm lần thứ nhất của của chương trình vào tháng 9.2022”.
Dù chặng đường phía trước còn dài, song với nỗ lực của QNU, hy vọng chương trình IUC sẽ góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới phương thức sản xuất, đưa nông nghiệp của vùng phát triển theo hướng bền vững.
HỒNG HÀ