Sáng tạo nhỏ, ý nghĩa lớn
Lấy cảm hứng từ câu chuyện cậu bé người gỗ Pinocchio, Th.S Nguyễn Thành Trung, giáo viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đã sáng tạo ra mô hình người máy đầy linh hoạt, dùng để phục vụ giảng dạy. Woodboy - “Cậu bé Pinocchio phiên bản người máy” được lập trình và điều khiển từ máy tính, có thể di chuyển bằng hai chân, đứng trên một chân, nhúng nhảy... mô phỏng 80% hoạt động của con người.
Th.S Trung kể: Tôi đã từng nghiên cứu và tạo ra một số mô hình điện tử, trong đó có mô hình xe điều khiển bằng mạch điện tử đang được sử dụng giảng dạy tại trường. Một ngày tình cờ xem lại bộ phim cậu bé người gỗ Pinocchio nhún nhảy vui nhộn, tôi bỗng nảy ra sáng kiến tạo ra một người máy giống hệt cậu bé người gỗ để tạo cảm hứng học tập cho các em. Vậy là tôi bắt tay làm từ năm 2019 và hoàn chỉnh dần.
Th.S Nguyễn Thành Trung với mô hình Robot lập trình và điều khiển từ xa. Ảnh: HỒNG HÀ
Đặc điểm của người máy Woodboy do Th.S Trung chế tạo là cấu tạo đơn giản, dễ làm, chịu khó quan sát là có thể làm theo được. Cấu tạo chính là các linh kiện mạch điện tử như: Động cơ Servo, modul lập trình Arduino, modul truyền thông NRF24L01. Các linh kiện được bán phổ biến trên thị trường, giá rẻ, vì thế sản phẩm có giá thành thấp, khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, người máy có thể đi lại linh hoạt và tương tác với thế giới thực, đây là ưu điểm rất lớn của Woodboy.
Woodboy có thể dùng phục vụ giảng dạy, đào tạo chương trình lập trình điều khiển tự động tại các trường học; hoặc phục vụ các bạn trẻ thích sáng tạo. Woodboy cũng có thể dùng làm trò chơi công nghệ, kích thích sự phát triển trí tuệ và khám phá của các em nhỏ.
Phiên bản người máy đầu tiên được làm bằng gỗ to và cồng kềnh, gia công phức tạp và chỉ thực hiện được các động tác đơn giản. Ở phiên bản mới, người máy được làm bằng vật liệu mi ca nên trở nên gọn nhẹ và linh hoạt hơn. Hiện mô hình hoàn thiện xong phần dưới (phần thân và chân). Dự kiến trong phiên bản tiếp theo, sản phẩm sẽ được lắp đặt thêm bộ mạch điện tử để điều khiển toàn thân. Đồng thời, tiến tới ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào để nâng cấp sản phẩm. Th.S Trung chia sẻ: “Tôi sẽ lắp thêm các cảm biến gia tốc, cảm biến dò đường để người máy có thể tự động di chuyển mà không cần điều khiển, có thể leo cầu thang, đá banh, hoặc phát hiện và tự động tránh đường khi gặp phải chướng ngại vật”.
Tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bình Định năm 2021, sản phẩm được đánh giá cao nhờ tính sáng tạo và khả năng ứng dụng rộng rãi.
Từ sự tận tâm và yêu nghề, Th.S Nguyễn Thành Trung đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều sản phẩm đồ dùng học tập hữu ích, gần gũi với đời sống, góp phần cắt giảm chi phí và nâng cao chất lượng học tập, giảng dạy tại trường. Mô hình “Hệ thống năng lượng xanh” của Th.S Trung đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình năm 2019. Thầy còn đạt danh hiệu Trí thức tiêu biểu về KH&CN tỉnh Bình Định năm 2020; Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam năm 2018.
KHÁNH LINH