LỚP HỌC FFS CỦA DỰ ÁN RAU AN TOÀN BÌNH ĐỊNH:
Thêm kiến thức, kỹ năng cho nông dân
Từ đầu tháng 11 đến nay, Dự án Rau an toàn Bình Định tổ chức 10 lớp học FFS/260 học viên là nông dân tại các địa phương trong tỉnh thuộc các vùng mở rộng của Dự án.
Tại các lớp học này, học viên được đào tạo kỹ thuật canh tác an toàn hợp chuẩn VietGAP, trang bị thêm các kỹ năng, kinh nghiệm trong nhận diện sâu bệnh hại; phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thu hoạch, sơ chế và đóng gói rau an toàn. Cùng với lý thuyết, các học viên được thực hành ngay trên đồng ruộng, vừa tiếp thu kiến thức vừa trao đổi kinh nghiệm vận dụng vào triển khai thực tế nhằm mang lại kết quả tốt hơn.
Các nông dân được trang bị kiến thức về nhận diện sâu bệnh, chăm sóc cây trồng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Ngày 28.10, Dự án phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Vĩnh Thạnh và UBND xã Vĩnh Hòa khai giảng lớp học FFS tại địa phương. Tham gia khóa đào tạo có 26 học viên là nông dân của thôn M7, M8 và Tiên Hòa (xã Vĩnh Hòa) - những thôn có nghề trồng rau củ (đu đủ, dưa leo, khổ qua, ớt, cải, rau gia vị và các loại đậu đỗ), sản lượng hằng năm lên đến trăm tấn nhưng nông dân chưa qua các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Thái Vinh, cán bộ Trung tâm DVNN huyện, người đứng lớp FFS tại Vĩnh Hòa cho hay, phương pháp đào tạo 2 chiều, kết hợp lý thuyết với thực hành, lấy học viên làm trung tâm sẽ tạo điều kiện cho các học viên tự xác định vấn đề, đưa ra câu hỏi để cả nhóm thảo luận, sau đó các nhóm cùng trao đổi để đưa ra quyết định đúng với từng chủ đề liên quan đến sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP từ khâu đầu đến khâu cuối.
Tương tự, tại TX An Nhơn, Trung tâm DVNN An Nhơn triển khai lớp học FFS cho người trồng rau tại vùng mở rộng của Dự án ở phường Bình Định. Ông Nguyễn Nghi, ở tổ 3, khu vực Kim Châu, phường Bình Định, một trong các học viên, chia sẻ: Nơi tôi sinh sống mới bắt đầu chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau chừng 3 - 4 năm nay, chủ yếu là rau ăn lá như khổ qua, dưa leo, đậu bắp. Do chưa được tiếp cận với kỹ thuật mới, chưa có kinh nghiệm nên bà con vẫn theo thói quen cũ. Nhờ lớp tập huấn này, vụ rau Tết năm nay, các hộ trồng rau ở Kim Châu áp dụng kiến thức trồng, chăm sóc, bảo quản rau an toàn, chăm các vườn rau xanh cho dịp Tết.
Theo ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên Dự án Rau an toàn Bình Định, mục tiêu của các lớp học FFS là trang bị kiến thức, kỹ thuật chăm sóc rau an toàn cho nông dân trong tỉnh. Ngoài các lớp học chuyên sâu của các nông dân thuộc Dự án, hằng năm, đơn vị phối hợp với các địa phương mở các lớp đào tạo cho nông dân vùng mở rộng, từng bước hỗ trợ nông dân tiếp cận và chuyển đổi sang sản xuất nông sản an toàn, bền vững.
QUANG BẢO