Vụ án SAGRI: Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận sai phạm do chủ quan
Cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận nhận trách nhiệm mình đã không có kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến việc SAGRI thoái vốn không đúng pháp luật và chịu trách nhiệm vấn đề này.
Sáng nay (9.12), phiên tòa xét xử nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến và các đồng phạm trong vụ sai phạm chuyển nhượng dự án, quyền sử dụng đất công sản cho tư nhân xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI tiếp tục phần xét hỏi. Trả lời thẩm tại tòa, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận hành vi như cáo trạng quy kết.
Bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận sai phạm (ảnh: Tỷ Huỳnh)
Là người đầu tiên bị xét hỏi trong phiên xử sáng nay, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến cho rằng khi đương chức Phó Chủ tịch UBND TP, ông phụ trách lĩnh vực kinh tế - tài chính. Năm 2017, ông được phân công thêm lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị nhưng không được giao phụ trách Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn - SAGRI.
Ông Tuyến thừa nhận mình là người ký Quyết định 6077/QĐ-UBND chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú. Ông Tuyến khẳng định chỉ biết đến hồ sơ này vào ngày 9.11.2017 khi SAGRI gửi hồ sơ đến UBND TPHCM để xin phép. Sau đó 5 ngày, ông lại nhận được báo cáo dự án có trong danh mục được chuyển nhượng nên đã ký quyết định mà không báo cáo Thường trực Ủy ban hay UBND TP.
Theo bị cáo Tuyến, việc ký quyết định trên là căn cứ vào thẩm quyền được phân công và căn cứ vào quy định của pháp luật thời điểm đó. Ông Tuyến thừa nhận: “Do có chủ quan, không kiểm tra sau này nên để SAGRI thoái vốn không đúng quy định của pháp luật”.
Về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố hành vi phạm tội của mình là đúng.
Cáo trạng xác định, do nể nang bị cáo Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, chủ mưu của vụ án, là em ruột của nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM nên ngày 3.11.2017, bị cáo Trần Trọng Tuấn (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng) đã ký tờ trình số 17223, gửi UBND TPHCM đề xuất chuyển nhượng dự án phát triển khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức từ SAGRI làm chủ đầu tư cho Tổng Công ty Phong Phú.
Ngày 17.11.2017, ông Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định số 6077 chấp thuận chuyển nhượng dự án mà không yêu cầu tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, tiến hành đấu giá và các quy định pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, luật doanh nghiệp. Đây là cơ sở để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn tự ý quyết định giá trị dự án để chuyển nhượng trái pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
Kết quả điều tra xác định, Quyết định số 6077 được ban hành không theo mẫu quy định, trong quyết định không có các mục "tổng mức đầu tư", "nguồn vốn đầu tư", "tiến độ thực hiện dự án". Bản chất việc chuyển nhượng này là chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản kèm theo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đồng thời đây cũng là hình thức chuyển nhượng phần vốn góp ra bên ngoài của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Theo Tỷ Huỳnh (VOV)