Thư vua Quang Trung viết gửi Nguyễn Thiếp nhờ chọn đất đóng đô
Bảo tàng Quang Trung hiện đang trưng bày nhiều hiện vật phục chế là những bức thư của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ gửi La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp mời ông ra giúp triều Tây Sơn; trong đó, có bức thư Nguyễn Huệ khi chưa xưng hoàng đế gửi Nguyễn Thiếp vào tháng 6 năm Thái Đức thứ 11 (tháng 6.1788) nhờ chọn đất đóng đô.
Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc chinh phạt chúa Trịnh. Khi về đến Phú Xuân, Nguyễn Huệ viết thư cùng lễ vật ra Nghệ An mời Nguyễn Thiếp về Phú Xuân giúp mình. Vốn là người không màng danh lợi, Nguyễn Thiếp đã khéo léo từ chối với lý do tự nhận mình tuổi cao, tài hèn sức mọn, không thể giúp được gì.
Tháng 8.1787, Nguyễn Huệ lại cử quan Lưu thủ là Nguyễn Văn Phương và Binh bộ Thị lang Lê Tài ra Nghệ An dâng thư mời Nguyễn Thiếp, song lần này ông cũng từ chối. Đến tháng 9.1787, Nguyễn Huệ lại sai quan Thượng thư Bộ hình Hồ Công Thuyên dâng thư mời Nguyễn Thiếp, nhưng Nguyễn Thiếp vẫn thoái thác không đi.
Tháng 6.1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ hai để trừng phạt Vũ Văn Nhậm. Khi đến đất Nghệ An, Nguyễn Huệ đã gửi bức thư đến Nguyễn Thiếp nhờ việc coi đất đóng đô tại Nghệ An. Lần này La Sơn phu tử đã đồng ý gặp Nguyễn Huệ. Tại cuộc gặp gỡ này Nguyễn Huệ nhờ Nguyễn Thiếp chọn đất để xây dựng kinh đô mới thay cho Phú Xuân, La Sơn phu tử đã chọn khu vực núi Dũng Quyết - ngọn núi nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân (nay thuộc địa phận TP Vinh, tỉnh Nghệ An) làm đất đóng đô, gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Theo tính toán của Nguyễn Thiếp thì trong khoảng giữa núi Dũng hội đủ khí trời tạo thành thế “vinh sơn thủy tụ” để xây dựng kinh đô.
Tuy nhiên do Hoàng đến Quang Trung đột ngột băng hà nên công việc xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô đã bị gác lại. Người kế nhiệm Hoàng đế Quang Trung là Nguyễn Quang Toản - tức vua Cảnh Thịnh không hề nhắc đến việc dời đô từ Phú Xuân ra Nghệ An như ý nguyện của vua cha và Phượng Hoàng Trung Đô dần rơi vào quên lãng.
NGỌC NHUẬN