Sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng
Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp tỉnh năm 2021 vẫn giữ được đà tăng trưởng so với năm 2020, nhờ đóng góp quan trọng từ những “điểm sáng”: Sản xuất điện, chế biến gỗ, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (chủ yếu là tấm lợp kim loại) và chế biến thực phẩm.
Nổi bật là ngành Điện với mức tăng 47,96% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng điện sản xuất tăng 96,54%. Ngày 7.12, tại buổi gặp mặt đoàn lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 2 về ủng hộ 500 triệu đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chia sẻ, đánh giá cao tăng trưởng về chỉ số sản xuất và phân phối điện trên địa bàn tỉnh, đây là điều rất đáng mừng từ đóng góp chung của nhiều DN trong ngành, trong đó có Công ty Thủy điện An Khê - Kanak (đơn vị thành viên của Tổng công ty Phát điện 2) đóng trên địa bàn tỉnh.
Nhà máy chế biến gỗ Phù Cát (thuộc Công ty CP Phú Tài) tiếp tục nỗ lực hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao năm 2021. Ảnh: DN cung cấp
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành sản xuất điện đóng góp quan trọng trong tốc độ tăng chung toàn ngành công nghiệp tỉnh. Điện sản xuất tăng nhờ thủy điện tích đủ nước nên sản lượng tăng cao và nhiều dự án điện mặt trời, điện gió đi vào hoạt động cuối năm 2020. Đồng thời, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, Nhà máy phong điện Phương Mai 3 đi vào hoạt động trong quý IV/2021 đã góp phần nâng sản lượng điện sản xuất năm 2021. Ngành điện sẽ vào đà tăng trưởng cao khi tới đây vào cuối năm 2021 hoặc chậm nhất đầu năm 2022 một số dự án điện mặt trời, điện gió đi vào hoạt động. Kế hoạch năm 2022, sản lượng điện sản xuất ước đạt 2.090 triệu KWh, tăng 14,9%.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định Lê Minh Thiện, chế biến gỗ nội thất, ngoại thất năm nay tiếp tục đà tăng trưởng (sản lượng sản xuất năm 2021 tăng 17,23% so với năm 2020), có phần quan trọng khi các DN được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh chỉ đạo khắc phục khó khăn, phối hợp hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương để vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, bàn bằng gỗ các loại tăng gần 23,6%; ghế có khung bằng gỗ tăng gần 15,8% so với năm 2020 nhờ có thị trường tiêu thụ tốt...
Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của sản phẩm gỗ ước đạt 471,6 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2020. Một số DN tiếp tục đóng góp cho việc tăng trưởng ngành như: Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt, Công ty CP Công nghệ Gỗ Đại Thành, Công ty CP Phú Tài, Tổng công ty Pisico Bình Định, Công ty CP Phước Hưng, Công ty CP Thương mại sản xuất Khải Vy Quy Nhơn... Khách hàng ở các thị trường chính (Hoa Kỳ, EU…) tin tưởng vào năng lực thích ứng và hồi phục của ngành gỗ Bình Định, tạo điều kiện cho khá nhiều DN chế biến gỗ nội, ngoại thất đã nhận đơn hàng đến năm 2022; nhờ đó hiện nhiều DN đã tiếp tục chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đây là cơ sở để dự báo ngành này tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Đối với sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (chủ yếu là tấm lợp kim loại) trên địa bàn tỉnh năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 12,46% so với cùng kỳ năm 2020. Nổi bật là Tập đoàn Hoa Sen (có các nhà máy sản xuất quy mô rất lớn tại Bình Định) đã xuất khẩu nhiều lô hàng tôn có giá trị cao đi các thị trường lớn. Ngoài ra, kinh tế các thị trường lớn đang dần phục hồi, đầu tư công được đẩy mạnh, thị trường nội địa tiêu thụ sản phẩm tôn, ống thép đang sôi động, thúc đẩy sản lượng tấm lợp kim loại đạt gần 642,4 nghìn tấn, tăng hơn 64% so với kế hoạch năm 2021 và tăng gần 39% so với cùng kỳ năm 2020. Sở Công Thương dự báo năm 2022, sản lượng xuất khẩu tấm lợp kim loại sang EU vẫn sẽ ổn định ở mức cao nhờ các chính sách thương mại thuận lợi và nhu cầu ngày càng tăng; do đó, kế hoạch năm tới, sản lượng tấm lợp kim loại trên địa bàn tỉnh ước đạt 660 nghìn tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.
Đối với nhóm ngành chế biến thủy sản, các DN có phương án hoạt động phù hợp, linh hoạt thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để sản xuất không bị ngưng trệ. Sản lượng chế biến thủy sản đông lạnh của các DN trên địa bàn tỉnh năm 2021 đạt 17.853 tấn, tăng 33,1% so với cùng kỳ; trong đó tôm đông lạnh đạt 1.275 tấn, tăng 21,63% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 hàng thủy sản ước đạt 101,2 triệu USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh tế dần hồi phục và thích ứng với diễn biến dịch Covid-19, theo đó nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thủy sản của thị trường cũng tăng. Sở Công Thương dự báo năm 2022, sản lượng chế biến thủy sản đông lạnh của tỉnh ước đạt 19.800 tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ; trong đó, tôm đông lạnh đạt 1.400 tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
HOÀI THU