Linh hoạt chuyển trạng thái dạy và học
Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường căn cứ cấp độ dịch của xã, phường, chủ động tham mưu cấp thẩm quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học phù hợp; củng cố điều kiện để sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học.
Luôn sẵn sàng…
Xã Phước Sơn chuyển cấp độ dịch sang cấp độ 4, huyện Tuy Phước quyết định dừng dạy và học trực tiếp tại các trường trên địa bàn xã, chuyển sang trực tuyến. Từ ngày 8.12, Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn bắt đầu dạy học trực tuyến cho học sinh khối 4, 5; học sinh khối 1, 2, 3, giáo viên chuyển đường link của bài học lên zalo của lớp theo từng môn học và giao bài tập về nhà. Nhà trường xây dựng kế hoạch chung, mỗi giáo viên đều có một kế hoạch riêng theo môn học và thời khóa biểu. Trường chuẩn bị 6 máy laptop để phục vụ cho giáo viên chưa có thiết bị.
Ông Giả Tấn Trọng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, cho hay: Khoảng 80% học sinh tham gia học trực tuyến. Việc học trực tuyến không tránh khỏi khó khăn khi học sinh thiếu thiết bị. Tuy nhiên, tình hình dịch hiện nay, thời gian học trực tuyến sẽ kéo dài, nhà trường tăng cường tuyên truyền đến phụ huynh học sinh để cùng đồng thuận hỗ trợ cho học sinh.
Tại huyện Phù Cát, hiện có 4 trường có học sinh F0, việc chuyển sang học trực tuyến áp dụng cho từng lớp học, điểm trường. Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, cho biết: Khi trường có F0 thì test nhanh cho lớp, dãy phòng học và cho cả trường tạm nghỉ, phối hợp với địa phương khử khuẩn, tầm soát, khoanh vùng dập dịch, đảm bảo an toàn thì cho học sinh học trực tiếp trở lại. Trường hợp có F1 trong trường thì F2 của lớp đó nghỉ, F1 xét nghiệm PCR âm tính 3 lần thì giải phóng F2 - sau 1 tuần. Học sinh thuộc diện cách ly y tế, trường phối hợp phụ huynh trong quản lý, hỗ trợ các em học tập, chuyển sang học trực tuyến hoặc hướng dẫn học sinh học trên truyền hình, tự học… Vừa dạy học vừa chống dịch, mục tiêu đạt chất lượng, nhưng phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, học sinh.
TX Hoài Nhơn là địa phương làm khá tốt việc chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với dạy và học trong dịch Covid-19. Phòng GD&ĐT huy động cán bộ giáo viên toàn ngành thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, huy động được hơn 413 triệu đồng để hỗ trợ cho học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, nhưng cũng chỉ đủ hỗ trợ được cho 279 học sinh của khối 8, 9. Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nguyễn Thị Hoài Anh chia sẻ: Với 1.711 học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo của hai bậc tiểu học và THCS, việc dạy học trực tuyến rất khó khăn về thiết bị học sinh, giáo viên phải chuyển bài qua zalo cho phụ huynh để chuyển cho các em học tập. Khó nữa là bậc học mầm non không thể tổ chức bán trú, tỷ lệ trẻ ra lớp chỉ đạt 40% - 50%, phòng đã chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo xây dựng video gửi Sở GD&ĐT thẩm định được 18 video để chuyển cho phụ huynh hướng dẫn cho các cháu rèn luyện chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Quy Nhơn kết thúc học kỳ I chậm 2 tuần
Việc chuyển trạng thái được thực hiện linh hoạt, song song với tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học trực tiếp. Tuy nhiên, tình hình dịch tăng mạnh ở một số địa phương dấy lên nhiều mối lo ngại về việc đến trường của học sinh. TP Quy Nhơn đã xây dựng kế hoạch, kịch bản dạy và học tương ứng 4 cấp độ dịch trên từng địa bàn. Đến nay, ngoại trừ các xã đảo, bán đảo và Phước Mỹ, các phường nội thành chỉ dạy trực tiếp cho học sinh từ khối 9 trở lên.
Theo ông Đỗ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, hiện các khối lớp đến trường học trực tiếp, trường ưu tiên cho khối 12 cuối cấp để đảm bảo kiến thức tham gia các kỳ thi sắp tới. Những bài học mấu chốt, cốt lõi, giáo viên sắp xếp dạy ngay khi học trực tiếp. Giáo viên chủ nhiệm phân chia nhóm học sinh theo từng địa phương. Trường tổ chức test định kỳ hằng tuần cho 20% học sinh, giáo viên.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Thanh Liêm cho biết, khó khăn trong tổ chức dạy học hiện nay chủ yếu tại Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước vì phát sinh nhiều ca F0. Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp ngành Y tế và UBND cấp huyện rà soát tình hình, linh hoạt tổ chức dạy học. Tùy theo cấp độ dịch của xã, phường, thị trấn được công bố, nhà trường bố trí phương thức dạy học cho phù hợp (trực tiếp, trực tuyến, dạy xen kẽ theo khối, ví dụ khối 6 và khối 9 dạy trực tiếp từ 1 - 2 tuần, sau đó khối 7 và khối 8 dạy trực tiếp 1 tuần). Sở thống nhất cho các trường tiểu học và THCS tại Quy Nhơn kết thúc học kỳ I chậm 2 tuần so với toàn tỉnh.
Căn cứ vào thông tin ngành Y tế tầm soát, bóc tách các đối tượng nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn để yêu cầu học sinh có nguy cơ lây nhiễm nghỉ học; ưu tiên tổ chức dạy học cho số đông học sinh cư trú trên địa bàn an toàn và giao giáo viên bộ môn phụ đạo, giao bài tập, hướng dẫn, bổ sung kiến thức cho học sinh phải tạm dừng đến trường.
“Sở GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn các trường tổ chức dạy bù với thời lượng phù hợp và tổ chức kiểm tra đánh giá các nội dung trọng tâm, cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Đặc biệt, giáo viên chủ nhiệm tiếp tục phối hợp với gia đình học sinh nắm bắt, theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm cho các bậc phụ huynh trong việc đề phòng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho con em mình”, ông Liêm cho hay.
MAI HOÀNG