Chăm lo bữa ăn ca cho người lao động
Hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người lao động, đặc biệt thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh thương thảo với các chủ DN nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh
Nhằm góp phần chăm lo bữa ăn ca cho hơn 705 người lao động (NLĐ), Công đoàn Công ty TNHH Mountech chi nhánh Bình Định (tại TX An Nhơn) đã xây dựng và đưa nội dung hỗ trợ bữa ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể. Bà Bùi Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết: “Trước tháng 12.2021, mức hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ là 21.000 đồng/người/ca. Đầu tháng 12.2021 trở đi, chúng tôi tiến hành ký thỏa ước lao động tập thể mới cho 3 năm tiếp theo, mức hỗ trợ mới cho bữa ăn NLĐ là 25.000 đồng/người/ ca. Bữa ăn ca của NLĐ được chủ sử dụng lao động quan tâm và tạo điều kiện. Đây là một trong những lý do mà DN giữ chân được NLĐ trong đại dịch Covid-19 và tiếp tục thu hút thêm 100 lao động mới trong thời gian gần đây”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ánh, 39 tuổi, đã làm việc tại Công ty TNHH Mountech chi nhánh Bình Định 7 năm. Trước đó, chị từng làm việc tại 2 DN khác. Theo chị Ánh, bữa ăn ca tại DN đảm bảo dinh dưỡng, đổi món liên tục giữa các ngày. “Điều tôi an tâm nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các khay đồ ăn bằng chất liệu inox. Bếp luôn được vệ sinh sạch sẽ. Các chị nấu bếp cũng trang bị đủ đồ bảo hộ: Găng tay, tạp dề, mũ, khẩu trang… trong lúc nấu, chia thức ăn”.
Ngoài việc thường xuyên đổi món, thay đổi khẩu vị cho NLĐ, giúp NLĐ ngon miệng trong từng bữa ăn, một số DN đã tận dụng nguyên liệu, sản phẩm từ sản xuất mà chưa đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu để bổ sung làm nguyên liệu chế biến thức ăn cho NLĐ. Đơn cử như Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty CP Thủy sản Bình Định.
Bữa ăn giữa ca của người lao động Công ty CP Thủy sản Bình Định. Ảnh: Công ty CP Thủy sản Bình Định
Công ty CP Thủy sản Bình Định (tại TP Quy Nhơn) hiện đang áp dụng mức hỗ trợ suất ăn 20.000 đồng/người/ca. Ngoài ra, DN còn bổ sung cho mỗi công nhân 1 hộp sữa tươi tiệt trùng, góp phần tái tạo sức lao động. Chị Đặng Lê Trâm, 24 tuổi, công nhân Công ty CP Thủy sản Bình Định, tâm sự: “Điểm đặc biệt của bữa ăn ca tại công ty là bố trí thức ăn theo kiểu buffer để người lao động tự chọn các món theo sở thích, khẩu vị. Về cơ bản, các bữa ăn đều đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng, giúp NLĐ yên tâm”.
Thương lượng nâng mức hỗ trợ
Trên cơ sở hướng dẫn của công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở đã chủ động rà soát tình hình DN, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của NLĐ để nghiên cứu đưa nội dung thỏa thuận hỗ trợ bữa ăn ca vào danh sách các nội dung tiến hành thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Theo LĐLĐ tỉnh, đến nay, đã có khoảng 48% công đoàn cơ sở khu vực DN đã đề xuất, thương lượng đưa nội dung ăn ca vào thỏa ước lao động tập thể và nâng mức hỗ trợ ăn ca cao hơn thực tế.
Các mức hỗ trợ ăn ca và hình thức thực hiện rất đa dạng. Đến cuối tháng 7.2021, có 240 DN thực hiện hỗ trợ ăn ca cho NLĐ. Trong đó, có 33 DN hỗ trợ mức từ 7.000 - dưới 15.000 đồng/người/ca; 207 DN thực hiện hỗ trợ từ 15.000 - 25.000 đồng/người/ ca. Số lượng DN hỗ trợ từ 25.000 đồng/người/ca là rất thấp, chỉ chiếm dưới 10% tổng số DN đang thực hiện. Tỷ lệ bữa ăn ca từ 15.000 đồng trở lên đạt hơn 86%.
Tùy theo điều kiện mà DN lựa chọn hình thức hỗ trợ bữa ăn ca khác nhau. Trong đó, có 160 DN tổ chức ăn ca tập trung (139 DN tổ chức nấu tại chỗ, 21 DN thuê nhà cung cấp suất ăn). Chi phí tổ chức ăn ca do chủ DN hỗ trợ toàn bộ. Chỉ có một số nhỏ chủ DN chỉ hỗ trợ 50% mức ăn, 50% còn lại do NLĐ chi trả.
Những DN không đủ điều kiện tổ chức ăn tập trung thì thực hiện hỗ trợ tiền ăn ca. Có 58 DN đã thực hiện hỗ trợ tiền ăn ca. Với hình thức này, nhiều DN đã hỗ trợ mức từ 20.000 - 45.000 đồng/ca/người.
Trong 5 năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp, tổ chức hơn 100 cuộc giám sát, kiểm tra kết hợp công tác giám sát, kiểm tra pháp luật lao động với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. LĐLĐ tỉnh tổ chức gần 30 cuộc giám sát, kiểm tra; tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành của tỉnh có nội dung về chất lượng bữa ăn ca và công tác an toàn thực phẩm tại 110 DN. Các Công đoàn cơ sở phối hợp bộ phận chuyên môn tiến hành giám sát thường xuyên công tác an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến khâu chế biến và cung cấp thức ăn cho NLĐ; đề xuất việc khám sức khỏe định kỳ cho các nhân viên phục vụ bếp ăn để đảm bảo an toàn vệ sinh cho NLĐ. Gần đây, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi, đảm bảo chất lượng bữa ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho NLĐ càng được các đơn vị chú trọng.
NGUYỄN MUỘI