Sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá
Từ thực tiễn tình hình phát triển KT-XH năm 2021 trong bối cảnh đặc biệt gắn liền với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đòi hỏi phải có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong thời gian tới.
Đó là nội dung chủ yếu được đề cập trong phiên thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra ngày 11.12.
Xác định rõ nguyên nhân, tồn tại
Đa số ý kiến tham gia thảo luận tại hội trường đánh giá rất cao kết quả điều hành của UBND tỉnh trong năm 2021, nhất là 15/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH đã đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, đại biểu (ĐB) Đặng Mạnh Cường (đơn vị Quy Nhơn) đề nghị các cơ quan chuyên môn phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt là giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới và số giường bệnh trên 1 vạn dân. Từ đó, tham mưu các giải pháp khắc phục khó khăn, dự báo khả năng thực hiện trong thời gian đến.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, năm 2021, tổng số giường bệnh kế hoạch toàn tỉnh là 5.150 giường, đạt 34,6 giường/vạn dân, không đạt chỉ tiêu (35,0 giường/vạn dân).
Về lý do, Nghị quyết số 72/2017/NQ-HĐND ngày 14.7.2017 của HĐND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định đến năm 2025 (điều chỉnh, bổ sung), có đề ra chỉ tiêu “giường bệnh kế hoạch/vạn dân (không tính trạm y tế) đến năm 2020 đạt 33,5 và đến năm 2025 đạt 43,6”. Chỉ tiêu nói trên đã bao gồm phương án tính toán số giường bệnh của các bệnh viện sẽ được thành lập mới giai đoạn 2017 - 2025, như BVĐK khu vực của tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Bình Định (trước đây là BVĐK tỉnh - phần mở rộng). Tuy nhiên, các bệnh viện này không đạt số giường theo kế hoạch, số khác còn chưa khởi công.
Chỉ tiêu nói trên cũng đã bao gồm việc dự báo 3 bệnh viện thuộc bộ, ngành đứng chân trên địa bàn tỉnh sẽ tăng quy mô giường bệnh từ 720 giường (năm 2017) lên khoảng 900 giường (năm 2025). Nhưng thực tế đến nay (năm 2021) tổng số giường bệnh của các bệnh viện này chỉ đạt 870 giường.
Với giường bệnh thuộc tỉnh quản lý, hằng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu, lộ trình thực hiện của Nghị quyết số 72/2017/ NQ-HĐND đã đề ra. Năm 2021, giường bệnh kế hoạch thuộc tỉnh quản lý là 4.280 giường, đạt 28,7 giường/vạn dân (chỉ tiêu 28,5 giường/vạn dân). Nếu tính theo số giường thực kê, năm 2021 các bệnh viện do tỉnh quản lý có tới 6.590 giường bệnh nội trú; đạt 44,2 giường/vạn dân, bằng 154% so với giường bệnh kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long bày tỏ quan điểm không khuyến khích dạy học trực tuyến. Ảnh: N.V.T
Liên quan đến kết quả giảm nghèo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Mỹ Quang cho hay, trong năm 2021 đã có 4.120 hộ thoát nghèo (giảm 0,95% so với năm 2020) và 3.425 hộ thoát cận nghèo (giảm 0,8% so với năm 2020). Dự báo trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, gây nhiều khó khăn cho người dân, trong đó có một bộ phận yếu thế hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, đạt được chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra giai đoạn 2021 - 2025 đối với tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là từ 1,5 - 2%/năm, Sở LĐ- TB&XH đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo; khuyến khích, động viên người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo nỗ lực lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại; vươn lên thoát nghèo.
“Phải tổ chức rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng nhóm để có các giải pháp cụ thể, phù hợp. Không ai lại đi hỗ trợ vốn để sản xuất với hộ nghèo có các đối tượng bảo trợ xã hội”, ông Quang chỉ rõ.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, coi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.
Nguồn: BTV
Thu hút đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
Một trong những vấn đề đặt ra để nâng cao mức sống của người dân khu vực nông thôn chính là thay đổi phương thức sản xuất. ĐB Phạm Quang Ân (đơn vị Tuy Phước) cho rằng, vẫn còn nhiều rào cản để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, như hạ tầng chưa tương xứng, nguồn vốn hạn chế, ít DN tham gia, thị trường nhỏ lẻ. “Đáng nói là liên doanh liên kết giữa DN với người dân chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng người dân đơn phương chấm dứt hợp đồng”, ĐB Ân nói.
Nêu rõ rất nhiều thành tựu trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao ở Hoài Ân, ĐB Đỗ Thị Diệu Hạnh (đơn vị Hoài Ân) vẫn bày tỏ lo ngại trước tình trạng giá cả nông sản bấp bênh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định. Từ đó, ĐB Hạnh kiến nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất sản phẩm trên quy mô lớn từ nguyên liệu của người dân địa phương.
ĐB Đỗ Thị Diệu Hạnh đề xuất cần có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: N.V.T
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc cho biết, thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, trong năm 2022, Sở sẽ tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thông qua 8 cơ chế, chính sách trên tất cả các lĩnh vực để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm, ứng dụng thương mại điện tử… nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường.
Sẽ có những cơ chế đột phá
Giải trình các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long đã làm rõ cơ sở để đề xuất các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2022, nhất là tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) năm 2022 tăng 6 - 6,5%.
“Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, quan điểm của Ban Chỉ đạo tỉnh cũng như lãnh đạo UBND tỉnh là tiếp tục tầm soát diện rộng, phong tỏa hẹp ở quy mô hộ gia đình, không để đình trệ sản xuất, đời sống. Việc tiêm vắc xin cho trẻ 12 - 17 tuổi phải đảm bảo an toàn, thực hiện từ độ tuổi cao xuống thấp. Tổ chức học trực tiếp ở nơi đủ điều kiện; không khuyến khích học trực tuyến, nhất là lớp 1, 2, 3; học trực tuyến quá lâu thì không biết hậu quả như thế nào cho con em chúng ta khi từ sáng đến tối chỉ học trên màn hình điện thoại, ipad…”. Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG
Một trong những vấn đề nổi bật là thu ngân sách. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, kết thúc năm 2021, có thể nói thành công lớn nhất là mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, đại dịch diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra liên tục, nhưng tỉnh đã phấn đấu vượt kế hoạch thu ngân sách đề ra. Tuy nhiên, năm 2022 dự báo kinh tế cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng vẫn còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức; do vậy tỉnh phấn đấu thu ngân sách bằng mức Trung ương đề ra (11.267 tỷ đồng). Trong đó, thu nội địa là 10.200 tỷ đồng, bằng mức Trung ương giao; nếu trừ tiền sử dụng đất, thu từ xổ số kiến thiết và thu từ cổ tức, lợi nhuận được chia thì tổng thu nội địa năm 2022 là 6.050 tỷ đồng, giảm 9,1% so với ước thực hiện năm 2021 (6.658 tỷ đồng).
“Năm 2021, lần đầu tiên ngân sách phải chi đến 800 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tình hình năm 2022 tới đây sẽ còn nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng UBND tỉnh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả điều hành một cách linh hoạt, sáng tạo. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân trong tỉnh, khắc phục khó khăn, tận dụng thời cơ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu năm 2022 đã đề ra”, người đứng đầu chính quyền tỉnh tự tin khẳng định.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp được bàn bạc, thảo luận tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà cử tri, nhân dân kỳ vọng, gửi gắm. Các đại biểu HĐND tỉnh tập trung giám sát, theo đuổi đến cùng kết quả giải quyết.
“Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn bằng mọi giải pháp, chứ không phải “việc gì khó cứ để đó”. Đặc biệt quan tâm những vấn đề tồn đọng kéo dài, lần nào họp cũng nêu ra; phải giải quyết đến nơi đến chốn, không để cử tri thất vọng”, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Tới đây, HĐND tỉnh sẽ tiến hành rà soát, sơ kết, tổng kết để có cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách mới thực hiện hiệu quả 6 chương trình hành động của Tỉnh ủy về KT-XH, tạo bước đột phá mới trên mọi lĩnh vực.
NGUYỄN VĂN TRANG