Trên cánh đồng tháng Chạp
Tạp bút của ĐÀO THANH TÙNG
Hôm rồi bạn gọi điện thoại về nhà chỉ có một chốc thôi mà thế rồi bần thần cả buổi. Bạn kể, đang mùa dịch bệnh đột nhiên mưa lũ kéo dài mấy đợt, đồng làng bị lật tung chỗ xói lở, bể bờ, chỗ ngút ngàn cát bồi, bao nhiêu giống má trôi theo nước lũ… Bạn đang ngẩn ngơ thì bỗng choàng tỉnh, chưa kịp động viên ba cố gắng thì quê kiểng đã động viên ngược lại cho phố xá. Chuyện mùa vụ, thiên tai dù gì thì từ lớn tới nhỏ cũng đã quen rồi, dịch bệnh mới là thứ đáng để lo ngại. Nhưng ở quê dù vậy vẫn thưa người, người quê giờ cũng biết… cẩn thận hơn, ai cũng tin rằng cẩn thận thì rồi dịch bệnh sẽ nhanh qua thôi. Không đông vui như mọi năm nhưng đồng làng vẫn nhộn nhịp cấy cày, bà con chuyện trò vống từ nhóm này sang nhóm kia thì vì phải giữ khoảng cách mà. Nghe xong cũng hơi hơi hân hoan phảng phất mùi Tết đang chầm chậm đến.
Lúc còn ở quê sau hăm ba tháng mười âm lịch là trời bắt đầu ráo. Đồng làng lúc nào cũng dày đặc người làm. Đàn ông luôn đảm nhận công việc nặng nhọc hơn cả. Cày bừa với trâu bò ngày hai buổi miệt mài. Phụ nữ cầm cuốc, vét đi dọc ven ruộng làm cỏ bờ, ve lại bờ bãi bị lồi lõm để nước trong ruộng được giữ tốt hơn. Sau này cơ giới hóa vào nông nghiệp thì tiếng máy cày, máy bừa xình xịch ồn ào đến tận khuya muộn. Bạn nhớ từng đường cày tỉ mẩn của ba khi hai cha con ra đồng. Cha bạn đi sau, bạn dắt nghé con đi trước. Những chú nghé lần đầu tập cày, bỡ ngỡ nên cần phải có người dẫn dắt. Thời tiết những tuần cuối năm cứ hanh hanh hao hao, vài ngày gió lùa thôi là đất cứ cong lên, khô đét. Nhưng chỉ cần nước từ kênh đổ vào là đất bở tơi, mềm nhũn. Bạn có cảm giác chân mình cũng mềm nhũn theo những hạt bùn, phù sa màu mỡ. Vụ Đông Xuân nước dồi dào lắm nhưng cũng tự lâu rồi, nhà nông cũng thuộc lòng câu “nước là tài nguyên quý giá” phải tranh thủ khi dòng nước theo kênh ghé ngang ruộng nhà. Ba bạn lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Đêm khuy a vẫn tranh thủ vác cuốc ra đồng, ve vãn bờ kè, khơi nới, đắp chỗ nọ, dẫn chỗ kia.
Rồi thì quê bạn chuyển từ ba vụ bấp bênh sang hai vụ lúa ăn chắc xen một vụ màu. Vụ rau tháng Chạp dễ chừng còn ngon ăn hơn cả lúa, tầm đó rau có giá thành ra được mất, thành bại nhiều nhà cậy hẳn vào đồng rau. Không hiểu sao bạn thích được ngắm, thăm thú đồng rau này vô cùng. Trước mắt bạn là một màu xanh trải dài vô tận. Này là cải bẹ, cải cúc, cải bắp, các loại rau thơm… hầu như loại nào cũng có. Sáng sớm khi sương còn chưa kịp tan, đọng trên lá lúng liếng bạn theo mẹ ra ruộng đi tưới nước, nhổ cỏ, cuối buổi thu hoạch những cây lớn trước về làm bữa ăn cho cả nhà. Bạn thích thu hoạch các loại rau thơm vì chúng dậy mùi ngào ngạt, nồng nồng, quyện thêm hương bùn, hương đất khiến bạn có cảm giác ngất ngây, khoan khoái. Chăm rau với mẹ, bạn mới hiểu được sự vất vả của người dân một nắng hai sương, cần mẫn, chắt chiu từng đồng bạc, chăm lo, vun vén cho cuộc sống gia đình. Năm nay lụt lũ thế này không biết vụ rau tháng Chạp có cáng đáng nổi chi tiêu trong mấy ngày Tết nữa không.
Ở quê bạn ngang chạng với rau tháng Chạp là hoa Tết. Tr ên cánh đồng tháng Chạp thấp thoáng là những luống hoa khoe sắc. Ban đầu người quê bạn trồng chỉ vì nhu cầu chưng hoa trong nhà mấy ngày Tết, về sau nhiều người bán rau lại ngỏ ý tải thêm cả hoa nên dần dần hoa có giá. Ban đầu nhiều hộ dân trồng xen kẽ hoa với rau nhưng càng về sau xem chừng hoa có phần nhỉnh hơn. Nhìn những bông hoa cúc vàng tươi, bông thược dược màu hồng, màu đỏ, màu trắng khoe sắc lòng người cũng như đang thấy xuân về. Đi giữa cánh đồng hoa Tết chúm chím dễ mơ màng về những buổi chợ hoa cuối năm. Cánh đồng tháng Chạp như tô thắm bức tranh quê ngày giáp Tết thêm màu sắc, dịu dàng và tươi đẹp.
Trên cánh đồng tháng Chạp năm xưa, ngồi nghĩ thời hiện tại, trong lòng bạn bâng khuâng thương và nhớ vô cùng. Quá khứ trải qua để bạn biết tháng ngày mình từng sống bình yên và tươi đẹp. Những khó khăn vất vả giúp bạn trưởng thành hơn và làm hành trang vững chắc đưa bạn vào đời. Cánh đồng tháng Chạp mãi là hình ảnh thân thương, diệu kỳ nhất bạn luôn mang theo trong suốt chặng hành trình cuộc đời của bạn.