Thủ tướng: Phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc, càng khó khăn càng phải đoàn kết
“Phát triển văn học nghệ thuật không thể phát triển một mình mà cần hợp tác quốc tế, phải có giao lưu, quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng 12.12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam về tình hình một số đề án, chương trình phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới, hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập nước (1945-2035) và 100 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (1930-2030).
Dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, cuộc làm việc này nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kết quả Hội nghị văn hóa toàn quốc đối với các nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, song phải phấn đấu vì mục tiêu chung. Các ngành, cơ quan phối hợp nhịp nhàng, chia sẻ, lắng nghe ý kiến của nhau để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ nhằm phát triển văn học nghệ thuật đúng hướng, đúng tầm, đáp ứng yêu cầu, mong muốn của nhân dân, vì quốc gia dân tộc, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Toàn cảnh buổi làm việc
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển văn học nghệ thuật không thể phát triển một mình mà cần hợp tác quốc tế, phải có giao lưu, quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước mình. Thủ tướng nhắc lại câu nói “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, phải phát huy sức mạnh truyền thống văn hóa của dân tộc, càng khó khăn thì càng phải đoàn kết, phát huy sức mạnh nội sinh. Thủ tướng cũng trăn trở, thời gian qua tại sao chưa có những tác phẩm "để đời" như trước đây?
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc, ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền văn học nghệ thuật nước nhà vừa có thêm những cơ hội mới nhưng cũng phải đương đầu với nhiều thách thức mới.
“Trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam nói riêng cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm. Tuy nhiên, những thành tựu văn học - nghệ thuật đã đạt được trong 35 năm qua chưa tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng, sự quan tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết”, ông Đỗ Hồng Quân nói.
Ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Văn học nghệ thuật Để thiết thực đưa tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 33-NQ/TW vào cuộc sống, ngày 8.9.2016 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu của Chiến lược là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển những ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.
Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 8.4.2021.
Chương trình hỗ trợ kinh phí cho hoạt động báo chí văn học nghệ thuật; Chương trình nghiên cứu, tổng hợp các tác phẩm văn học nghệ thuật vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các tộc người có nguy cơ mai một. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phối hợp xây dựng chương trình; Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn II.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đã đề xuất kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư trung hạn, và những kiến nghị khác.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cảm ơn sự chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện sự thấu hiểu những vấn đề cơ bản nhất của văn học, nghệ thuật và tình hình phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Các đại biểu cũng đặt ra những vấn đề định hướng thẩm mỹ, tư tưởng của giới trẻ; đầu tư bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ những người làm văn học, nghệ thuật; quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.
Theo Vũ Khuyên (VOV)