Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Ngày 2.12, Đại hội đồng LHQ đã chính thức thông qua Nghị quyết A/76/L.12 lấy năm 2022 là Năm Quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững. Đây là sự kiện ý nghĩa, đánh dấu bước hội nhập quan trọng của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng trên trường quốc tế trong lĩnh vực khoa học cơ bản.
Nằm trong không gian thơ mộng, ICISE trở thành “điểm hẹn” của các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Ảnh: ICISE
Chính phủ Việt Nam xác định đầu tư cho khoa học cơ bản là đầu tư cho nền móng, đầu tư cho tăng cường năng lực quốc gia. Và tại Bình Định, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) do GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam sáng lập, trở thành điểm hẹn để các nhà khoa học hàng đầu thế giới đến Việt Nam giới thiệu, trao đổi những thành tựu nghiên cứu mới nhất, bao gồm khoa học cơ bản. Với sự có mặt của ICISE, Bình Định trở thành điểm sáng về đầu tư và phát triển khoa học cơ bản.
Trong nỗ lực thực hiện trách nhiệm về phát triển khoa học dữ liệu, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên là đồng tác giả dự thảo Đề án Năm Quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển. Đề án được xây dựng năm 2018 với sự tham gia của 40 viện hàn lâm, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế trên thế giới; trong đó chủ trì là GS Michel Spiro, Chủ tịch Liên đoàn quốc tế về Vật lý thuần túy và ứng dụng (IUPAP) và đồng chủ trì là GS Trần Thanh Vân. GS Vân cũng là thành viên của Ban sáng lập và là đồng chủ tịch Đề án trình lên LHQ. Trong số 28 nhà khoa học đoạt giải thưởng Nobel và giải thưởng Fields bảo trợ cấp cao về khoa học cho đề án, có 9 nhà khoa học từng đến Quy Nhơn tham gia các các hội thảo khoa học tại ICISE. Ngoài ra, GS Ngô Bảo Châu, nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam được trao huy chương Fields, là người Việt Nam duy nhất nằm trong Hội đồng Bảo trợ cấp cao về khoa học cho đề án này. Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam còn được chọn là thành viên của Ủy ban Cố vấn quốc tế của đề án.
TS Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc ICISE, cho biết: “Mục đích chung của năm quốc tế về khoa học cơ bản là tạo cơ hội để thuyết phục các bên liên quan hành động nghiêm túc hơn trong việc gắn các kết quả khoa học vào việc ban hành các quyết định chung, cũng như cùng hành động vì sự phát triển toàn diện của các ngành khoa học cơ bản”.
4 mục tiêu cụ thể của năm quốc tế là: Tạo cơ hội cho tất cả các cá nhân có mong muốn đều có thể tham gia nghiên cứu khoa học; thúc đẩy giáo dục về khoa học cơ bản; tôn vinh những đóng góp tài chính đối với nghiên cứu cơ bản; cho phép mọi người tiếp cận sâu rộng hơn các kết quả nghiên cứu khoa học cơ bản và các tài liệu cần thiết.
Trong số 4 sự kiện quan trọng diễn ra trong năm quốc tế sẽ bao gồm hội nghị “Khoa học, Đạo đức học và Sự phát triển con người”, dự kiến tổ chức vào hè năm 2022 tại ICISE. Đây sẽ là hội nghị quốc tế quan trọng mang tầm châu lục, sự kiện đại diện cho khu vực châu Á của Năm quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững.
Với những gì đã thể hiện, Việt Nam đã khẳng định trách nhiệm, tính tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế. Và trong nỗ lực đó có sự đóng góp rất lớn của ICISE, mà đứng đầu là GS Trần Thanh Vân.
HỒNG HÀ