Ðẩy mạnh tín dụng hợp pháp, hạn chế tín dụng đen
Thời gian qua, ngành Ngân hàng Bình Ðịnh mở rộng địa bàn hoạt động tín dụng hợp pháp, linh hoạt các hình thức cho vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đáp ứng nhu cầu vốn của người dân với mục đích góp phần hạn chế tín dụng đen.
Đi đầu trong việc mở rộng địa bàn tín dụng hợp pháp, hạn chế tín dụng đen là Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định). Đến nay, Agribank Bình Định có 24 điểm giao dịch tín dụng, gồm Hội sở tỉnh, 12 chi nhánh trực thuộc, 10 phòng giao dịch và 1 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Agribank Bình Định cũng đã lắp đặt 47 trụ ATM và 51 máy POS tại các địa phương trong tỉnh. Nhờ thiết lập được mạng lưới giao dịch tín dụng rộng khắp, Agribank Bình Định đã dễ dàng đưa vốn của nhiều chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Người dân có thể dễ dàng vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vay vốn tiêu dùng trực tiếp từ các điểm giao dịch, qua các tổ, nhóm tín dụng của các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Khách hàng giao dịch tín dụng tại Agribank Phù Cát. Ảnh: TIẾN SỸ
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, cho biết: “11 tháng đầu năm nay, có hàng chục nghìn khách hàng là DN, hộ gia đình, cá nhân đã vay vốn để tiêu dùng và vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế với dư nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ NN&PTNT chiếm 77%. Chúng tôi tiếp tục rà soát nắm chắc nhu cầu vay vốn của nông dân, đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng hợp pháp rộng khắp, đồng thời gia tăng các tiện ích giao dịch trên ứng dụng E-Mobile banking đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Tương tự, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Bình Định (Vietcombank Bình Định) cũng mở rộng hoạt động tín dụng. Hiện, ngoài 4 phòng giao dịch tín dụng trên địa bàn TP Quy Nhơn, Vietcombank Bình Định đã mở thêm 1 phòng giao dịch tại phường Bồng Sơn, TX Hoài Nhơn, lắp đặt 16 máy ATM, 262 điểm chấp nhận thẻ tín dụng.
“Việc mở rộng mạng lưới và đẩy mạnh tín dụng hợp pháp đã giúp DN, người dân tiếp cận thêm nhiều nguồn thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh. Người dân có nhiều lựa chọn tổ chức tín dụng vay vốn với lãi suất hợp lý, từ đó giảm bớt khó khăn về vốn cũng như chi phí lãi vay để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, qua đó góp phần hạn chế tín dụng đen. Thời gian tới chúng tôi sẽ lên kế hoạch, hướng dẫn để các ngân hàng kết nối, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, xã hội khơi thêm dòng chảy tín dụng phù hợp, thực tế cho thấy việc phối hợp như thế hạn chế đáng kể việc người dân tìm đến tín dụng đen”.
Ông Nguyễn Trà Dương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Định
Vietcombank cũng là ngân hàng có nhiều chương trình tín dụng linh hoạt, lãi suất phù hợp với nhu cầu khách hàng, điều kiện để được vay vốn cũng tương đối dễ chịu. Ông Nguyễn Văn Thúy, Giám đốc Vietcombank Bình Định, chia sẻ: “Năm 2021, chúng tôi thực hiện 4 chương trình tín dụng cho vay vốn với lãi suất rất cạnh tranh, gồm cho vay dành cho khách hàng bán lẻ, lãi suất từ 6,79%/năm; cho vay dành cho khách hàng DN nhỏ và vừa, lãi suất từ 6,3%/năm; cho vay lãi suất cố định dành cho khách hàng bán lẻ với nhiều kỳ hạn khác nhau, lãi suất 8%/năm; cho vay dành cho cán bộ nhân viên ngành Y với lãi suất 5,5%/năm. Tổng dư nợ đến ngày 30.11.2021 là 7.580 tỷ đồng”.
Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Phú Tài (BIDV Phú Tài) phát triển 7 phòng giao dịch tại TX Hoài Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, đồng thời đẩy mạnh các chương trình tín dụng hợp pháp ở khu vực nông thôn.
Ông Lê Bá Duy, Giám đốc BIDV Phú Tài phân tích, thời gian qua ngân hàng thực hiện nhiều chương trình, gói tín dụng cho cộng đồng DN, hộ kinh doanh, người dân vay vốn với lãi suất rất cạnh tranh. Tổng dư nợ 11 tháng đầu năm 2021 đạt 4.952 tỷ đồng. Hiện BIDV Phú Tài đang giảm lãi suất tiền vay cho DN, cá nhân từ 0,5 - 1%/năm và miễn, giảm nhiều loại phí giao dịch tín dụng qua mạng điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc vay vốn tiêu dùng. Giảm mức lãi suất, tư vấn nhiệt tình và đơn giản hóa các thủ tục để người có nhu cầu vốn sớm được vay là một cách để chúng tôi tham gia hạn chế tín dụng đen.
Hiện mạng lưới tín dụng trên địa bàn tỉnh phát triển rộng khắp với 33 chi nhánh ngân hàng cấp I và 12 chi nhánh cấp II cùng 119 phòng giao dịch. Các ngân hàng cũng đã đầu tư lắp đặt 225 máy ATM và 1.134 máy POS, linh hoạt áp dụng hình thức vay vốn, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đáp ứng yêu cầu của người dân. Bên cạnh đó, các ngân hàng tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tổng dư nợ cho vay ước đến ngày 31.12.2021 là 89.150 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.
PHẠM TIẾN SỸ