Bình ổn thị trường cuối năm
Sau thời gian ngắn chững lại do dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến bất thường, càng về cuối năm nhiều hoạt động KT-XH dần sôi động trở lại, kéo theo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng tăng lên. Để duy trì sự ổn định này, các cơ quan chức năng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì chuỗi sản xuất - cung ứng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng dịp cuối năm.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, sau gần 2 tháng bình thường mới, thị trường hàng hóa và mua sắm của người dân ở các huyện, thị, thành phố đã nhộn nhịp hơn. Trước đó, dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động du lịch, lữ hành, nhà hàng, khách sạn và các ngành dịch vụ ngưng trệ, làm tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội giảm liên tục.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2021 ước đạt 79.683,9 tỷ đồng, chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Hàng hóa phục vụ tết dương lịch 2022 đã lên kệ tại các hệ thống siêu thị. Ảnh: HẢI YẾN
Để chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho tết Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, làm việc với các DN chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tỉnh cũng dự kiến giao nguồn vốn về UBND các huyện, thành phố theo nhu cầu đăng ký của địa phương để thẩm định, cho các đơn vị tham gia vay vốn thực hiện chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Theo đó chương trình bình ổn giá sẽ gồm 19 mặt hàng: Gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa, vở học sinh. Thời gian thực hiện chương trình bán hàng bình ổn giá dự kiến từ đầu tháng 1.2022. Các đối tượng được vay vốn ngân sách gồm: DN, hộ kinh doanh và HTX hoạt động trong lĩnh vực thương mại có kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá.
Bà Lê Thị Liễu (Công ty TNHH Ngọc Liễu, huyện Hoài Ân) cho biết: “Năm nay, chúng tôi cũng xin nhà nước bố trí 1 tỷ đồng để có thêm vốn dự trữ hàng bình ổn giá cho các xã miền núi, khó khăn của huyện Hoài Ân. Tình hình dịch giã, công ty vẫn cố gắng cam kết tham gia bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ, nhất là các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu tết Nguyên đán Nhâm Dần”.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đang vận động thêm một số DN tham gia bình ổn giá nhưng Nhà nước không phải cho mượn vốn, điển hình là các DN phân phối hàng hóa lớn như: Anh Nhật, An Phong, Đăng Vinh, Ngọc Huy, Thịnh Phú, Nhuận Phát… Theo ước tính của Sở Công Thương, để bình ổn giá trong 2 tháng 1 và 2.2022, các DN phải sản xuất, dự trữ một lượng hàng trị giá khoảng 2.100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Tổ trưởng tổ marketing siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, chia sẻ, DN đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu lên gấp đôi, qua đó chủ động nguồn cung dự trữ điều tiết giá hàng hóa Tết. Đơn vị tăng cường tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa thêm 5 - 10 lần so với các tháng trong năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm tết, nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Còn bà Phan Thị Tuyết Nhung, Giám đốc siêu thị Big C Quy Nhơn, cho biết: “Trong năm, nguồn hàng dự trữ khoảng 10 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng thiết yếu. Để phục vụ nhu cầu tết Nguyên đán Nhâm Dần, siêu thị dự kiến tăng khoảng 5 - 7%, trong đó tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống của địa phương”.
Để hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân, hệ thống các siêu thị như Co.opmart, Big C, Vinmart… tiếp tục triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu qua mạng. Các hệ thống siêu thị đã làm việc với nhà cung cấp triển khai các chương trình tặng kèm cho mùa mua sắm cuối năm nhằm kích cầu, giúp khách hàng mua sắm dễ dàng.
Ông Lê Hồng Tây, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, thông tin: “Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, việc chuẩn bị hàng tiêu dùng thiết yếu, cung ứng sớm và đầy đủ cho người dân đang diễn ra rất ổn. Chúng tôi đặc biệt lưu ý cung cứng đủ hàng hóa với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm cho các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sở Công Thương phối hợp kiểm tra đăng ký giá, niêm yết giá đối với các DN, cơ sở kinh doanh thương mại; kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị lượng hàng hóa của các DN thương mại, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn.
HẢI YẾN