“Bình Ðịnh đã đúng khi không giảm biên chế y tế cơ sở”
Ðó là khẳng định của Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng xung quanh vấn đề tinh giản biên chế nói chung và của ngành Y tế nói riêng trước yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ổn định nhân lực y tế cơ sở
Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiều đại biểu đặt vấn đề phải quan tâm hơn nữa đến y tế cơ sở, nhất là về cơ sở vật chất và nhân lực.
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, Bình Định là một trong những địa phương có nhân lực y tế cơ sở khá tốt. “Chúng ta đã quyết tâm giữ nguyên biên chế của các trạm y tế cấp xã trong suốt thời gian qua. Và, qua những ngày chống dịch căng thẳng nhất, lực lượng này phát huy vai trò đặc biệt quan trọng. Sắp tới, y tế cơ sở vẫn là lực lượng nòng cốt trong quản lý, chăm sóc các ca bệnh Covid-19 ở cộng đồng”, ông Hùng nói.
Nhờ đảm bảo số lượng, lực lượng y tế cơ sở đã có đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống Covid-19.
- Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn. Ảnh: N.V.T
Tại tuyến huyện, tổng nhân lực y tế trong biên chế hiện có 1.759 người (đạt 11,8 người/10.000 dân), tăng 162 người so với năm 2018; nhân lực trình độ đại học trở lên 833 người (chiếm 47,4%), tăng 253 người so với năm 2018.
Với tuyến xã, tổng số nhân lực y tế trong biên chế hiện có 1.090 người (đạt 7,3 người/10.000 dân), không tăng so với năm 2018. Trong đó, nhân lực trình độ đại học trở lên 170 người (chiếm 15,6%).
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho y tế cơ sở luôn được ngành Y tế quan tâm, chú trọng. Giai đoạn 2018 - 2021, có 53 viên chức tuyến huyện đi học nâng cao trình độ chuyên môn bậc đại học, sau đại học; 17 viên chức tuyến xã đi học nâng cao trình độ chuyên môn bậc cao đẳng trở lên. Ngoài ra còn có hàng nghìn lượt viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn, quản lý do Sở Y tế tổ chức và các cơ sở y tế tự thực hiện.
Tuy nhiên, có vấn đề đáng lưu ý là 518/574 trường học có nhân viên y tế, còn thiếu 56 nhân viên y tế trường học. Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho biết đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở thực hiện theo phân cấp quản lý về công tác rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ viên chức làm công tác y tế học đường tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập còn thiếu.
Tinh giản biên chế không cứng nhắc
Nhiều ý kiến cho rằng, thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, một số cơ quan, đơn vị có khối lượng công việc nhiều nhưng biên chế ít, gây khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Từ đó, đề nghị tỉnh kiến nghị với Trung ương xem xét việc tinh giản biên chế thời gian tới phù hợp hơn; tỉnh cũng cần xác định lại số lượng biên chế nên giảm ở từng ngành để đảm bảo phù hợp với khối lượng công việc.
Theo thông tin từ Sở Nội vụ, từ năm 2015 - 2021, tỉnh đã thực hiện tinh giản được 250/2.525 biên chế công chức, 3.008/30.028 biên chế viên chức so với năm 2015, đạt tỷ lệ 10% theo Nghị quyết số 39-NQ/TW và kế hoạch của tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, đối với biên chế công chức, tỉnh đã thực hiện xong việc rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong các sở, ban, UBND cấp huyện đảm bảo theo quy định. Chỉ tiêu biên chế giao năm 2022 giữ nguyên như năm 2021. Tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các tổ chức bên trong các sở, ban, UBND cấp huyện đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và Nghị định số 108/2020/NĐ-CP. Qua đó, đề xuất Bộ Nội vụ xác định tổng biên chế từng năm và tỷ lệ biên chế chia theo từng nhóm vị trí việc làm hằng năm, bảo đảm tổng biên chế năm sau giảm; trong đó bảo đảm giảm tỷ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng và các phòng không đủ số lượng thành lập phòng theo quy định.
Bên cạnh đó, theo kết quả thẩm định của Bộ Nội vụ, đến năm 2025, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên của tỉnh còn nhiều nhất là 24.318 người, giảm tối thiểu 2.702 người so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm 541 người, gồm cả ngành GD&ĐT, Y tế).
Tuy nhiên, ngày 6.12.2021, UBND tỉnh có công văn đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, không cắt giảm chỉ tiêu tinh giản biên chế (10%) trong các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành GD&ĐT và Y tế. Bởi, các đơn vị này buộc phải tuyển dụng nhân sự mới thay vị trí việc làm của người đã nghỉ hưu/tinh giản biên chế để đáp ứng yêu cầu định mức biên chế giáo viên/lớp của các cơ sở giáo dục theo quy định hiện hành của nhà nước, định mức biên chế/giường bệnh cần bố trí đủ bác sĩ, điều dưỡng, y tá...
Tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo quy định; chuyển số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
NGUYỄN VĂN TRANG