Cúi đầu một nỗi hàm ơn…
Sông thiêng & Đất lành (NXB Hội Nhà văn) là tập trường ca vừa ra mắt bạn đọc tháng 10.2021 của tác giả Nam Thi. Trường ca cấu trúc thành 2 phần như tên sách. Đây là tấm lòng của tác giả hướng về nguồn cội, về quê nhà Tây Sơn với bao trầm tích lịch sử văn hóa, náu nương tình người. Và một Sài Gòn ân tình, nơi mà ông xem là quê hương thứ 2 của mình với bao cưu mang gắn bó.
Với Tây Sơn, dấu tích trăm năm cuộc hợp tan dấy nghĩa ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ vẫn còn đấy. Trong sự đồng vọng, người thơ xen lẫn niềm kiêu hãnh về một vùng đất hùng anh nhưng cũng xót đắng với bao thăng trầm, mất được. Chỉ có dòng sông Côn muôn đời chung chung thủy thủy, một dòng chảy trăm dòng đời, là “nguồn xa” nối biển nối rừng, thấm tình thấm nghĩa: Sông có hợp lưu, phân nhánh/ Hợp tan vốn là chuyện bình thường/ Lòng người cũngthế./ Nhưng trăm dòng sông đều quy về biển cả/ Lòng người hội tụ ở quê hương/ Sông Côn đời đời chứng giám. Sông quê với ông là “Sông thiêng”, là nơi tìm về làm dịu mát lòng ông: Về đi người ơi/ Nước không thiêng không cải lão hoàn đồng/ Nhưng có thể gột hết những ưu phiền/ Cho ta sống lại những ngày thơ ấu thần tiên/ Sớm mai cùng lũ trẻ dắt bò ra sông tắm/ Những con bò vàng ngâm mình cho nước cuốn quanh/…/ Nước chảy xuôi lòng ta cũng trôi theo nước/ Những nhọc nhằn, ân oán thả trôi xuôi.
Trong trường ca này, ông cũng đặc biệt dành sự tri ân với Sài Gòn “vùng đất 300 năm thân thương nhân nghĩa”. Sài Gòn của xa xưa thời khai hoang mở cõi và Sài Gòn ngày hôm nay, chở che bao phận người xa xứ, đang oằn mình trước đại dịch…, hiện lên dung dị, xúc động: Đất Sài Gòn không thuộc về ai/ Thuộc về những trái tim nhân hậu/ Của những má Sài Gòn/ Rồi Sài Gòn sẽ bình yên.
Những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Nam Thi lắng lòng mình lại với những nghiệm suy. Hai năm nay, ông về cư ngụ hẳn nơi quê nhà Tây Sơn, ngày ngày chăm vườn, làm thơ, viết văn, tự mình bày cuộc rong chơi với chữ nghĩa. Thơ đã bắt nhịp, đã làm cầu nối cho người nhớ người thương, để một vùng ký ức lên xanh ngát tâm hồn. Trường ca này là sự tri ân với quê hương bản quán, cũng là tri ân những hạnh ngộ đời ông với duyên thơ: Cũng may còn có thơ để biết mình còn sống/ Còn yêu/ Còn mộng mơ và/ Hy vọng/ Đó là ân sủng.
Vẫn cái chất thơ mộc mạc, Nam Thi tỉ tê bao điều bằng sự hồn hậu. Với tập sách này, bạn đọc dễ dàng cảm nhận được cái tình quê ấm đầy, có lẽ vì được viết bằng sự chân thành hàm ơn, như lời thổ lộ gan ruột của Nam Thi trong sách: “Sông thiêng & Đất lành là tấm lòng của tôi dành cho Tây Sơn nơi tôi sinh ra và Sài Gòn nơi tôi trưởng thành. Gọi là trường ca hay chùm thơ cũng được. Coi như hai phần của một đời người. Coi như đền ơn đáp nghĩa bất luận hay dở về văn học. Cảm ơn những ai đã đọc và khuyến khích tôi thực hiện sở nguyện đời người. Tri ân “Sông thiêng” quê nhà chôn nhau cắt rốn và Sài Gòn “Đất lành” cưu mang tôi từ thuở thiếu thời”.
VÂN PHI