Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam
(BĐ) - Ngày 14.12, Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đây là lần đầu tiên một hội nghị chuyên sâu về đối ngoại được tổ chức với quy mô toàn quốc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N. HÂN
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Phi Long - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Qua 35 năm đổi mới, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia thuộc tất cả các châu lục. Trong đó có 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện; có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên với GDP gần 400 tỷ USD.
Trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện. Nhìn tổng thể, đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước, phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và hệ thống chính trị, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN. Chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; huy động nguồn lực to lớn từ bên ngoài phục vụ phát triển KT-XH, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên thế giới. Ngành Ngoại giao đã tiên phong cùng các bộ, ngành đẩy mạnh “ngoại giao y tế”, “ngoại giao vắc xin”, hỗ trợ và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Bên cạnh đó, với thế và lực mới, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Đây thực sự là những dấu ấn hết sức quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại nguồn lực, cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển KT-XH trong nước giai đoạn mới. Cùng với đó, ngoại giao đem lại cơ hội thúc đẩy mối quan hệ song phương của Việt Nam với các nước có vai trò chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển chung của nhân loại.
Hội nghị cũng nhìn nhận những hạn chế trong công tác đối ngoại thời gian qua, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm và xác định các nhiệm vụ đối ngoại quan trọng cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Công tác đối ngoại đang là động lực mạnh mẽ để phát triển quốc gia, dân tộc. Do đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan, lực lượng đối ngoại phải phối hợp thống nhất chặt chẽ để xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam với 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, phải tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
NGUYỄN HÂN