Lập hồ sơ di sản văn hóa:
Cần những bước triển khai hiệu quả
1.
Đề xuất cho các di sản được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, hay tầm cao hơn là di sản thế giới đã được nhiều địa phương cả nước tích cực thực hiện. Điều này xuất phát từ ý nghĩa thiết thực của danh hiệu mang lại trong công tác quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản nhận được nhiều quan tâm để triển khai hiệu quả hơn. Hiện tại, đã có 7 di tích ở Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (2 Di sản thiên nhiên thế giới, 5 Di sản văn hóa thế giới), 8 di sản được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã có tổng cộng 48 di tích quốc gia đặc biệt, 48 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bình Định là một trong số ít các tỉnh, thành trong nước có cả di sản vật thể và phi vật thể phong phú đề xuất công nhận các danh hiệu. Cả 3 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nhất của quê hương Bình Định là võ cổ truyền, hát bội, bài chòi đều đã được lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, mới chỉ có võ cổ truyền Bình Định được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. UBND tỉnh Bình Định từng có đề nghị Bộ VH-TT&DL xem xét, trình Chính phủ đưa di sản Bài chòi Bình Định vào danh mục đề cử lên UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt” sẽ được đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
- Trong ảnh: Hội chơi Bài chòi tại TP Quy Nhơn trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Ảnh: HOÀNG SA
Sở VH-TT&DL hiện đang triển khai việc biên soạn hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho Quần thể di tích phong trào nông dân Tây Sơn. Gần đây nhất, UBND tỉnh vừa có kiến nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng không gian tháp cổ Chăm pa Bình Định là quần thể di tích quốc gia đặc biệt.
2.
Trước đây, việc lập hồ sơ đề nghị đưa nghệ thuật, tuồng bài chòi Bình Định vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã không thành công. Theo chúng tôi, điều này là do trong hồ sơ khoa học còn thiếu những phân tích, đánh giá một cách thuyết phục để làm rõ nét độc đáo riêng của nghệ thuật tuồng, Bài chòi Bình Định so với nhiều tỉnh, thành khác cũng có loại hình nghệ thuật truyền thống này…
Vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã có thông báo sẽ giao cho Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tiến hành lập hồ sơ di sản “Tục chơi Bài chòi mùa xuân của người Việt”, để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phạm vi của di sản bài chòi được đề cử trải dài phạm vi 11 tỉnh, thành phố miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận), nhưng dự kiến tỉnh Bình Định sẽ được chủ trì xây dựng hồ sơ di sản. Đây là cơ hội cho các đơn vị liên quan ở tỉnh nhà có thêm nhiều điều kiện phối hợp nghiên cứu, để xác định “hướng đi đúng” làm nổi bật bản sắc riêng của bài chòi ở Bình Định gắn với việc tôn vinh di sản bài chòi chung. Trong đó, cần tập trung làm rõ một cách khoa học, đầy đủ hơn vùng đất Bình Định là nơi phát tích và còn lưu giữ nhiều loại hình bài chòi từ xưa đến nay, đồng thời cũng là địa phương làm tốt nhất công tác bảo tồn và phát huy bài chòi, nhất là bài chòi cổ dân gian mà các nơi khác hiện không có được.
Lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho cả “quần thể” di tích nông dân Tây Sơn hay “không gian” tháp cổ Chăm pa ở Bình Định, đòi hòi phải tiến hành tổng thể ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong số nhiều di tích quốc gia đặc biệt trong cả nước đã được xếp hạng, có rất ít di tích phải lập hồ sơ trên phạm vi rộng như thế. Vì vậy, cần có sự nghiên cứu cách thức phù hợp, hiệu quả hơn khi xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt ở tỉnh nhà.
Tham khảo ý kiến một số nhà nghiên cứu đã cho rằng, trong tổng số 8 cụm tháp với tổng cộng 14 tháp hiện còn ở Bình Định, nên tập trung vào việc hoàn thiện, nâng cao hơn hồ sơ khoa học về 7 cụm tháp đã được xếp hạng di tích quốc gia để làm nền tảng cho hồ sơ khoa học chung về quần thể di tích quốc gia đặc biệt. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, nhìn nhận: “Chỉ riêng cụm tháp Dương Long có quy mô lớn và những giá trị hết sức độc đáo về nghệ thuật kiến trúc đã có thể đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Vì vậy, nên chọn cụm tháp này là điểm nhấn quan trọng khi xây dựng hồ sơ không gian tháp cổ Chăm pa ở Bình Định…”.
HOÀI THU