“Chạy đua” cho lớp 12
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc dạy học gặp nhiều khó khăn. Không chỉ lo chất lượng dạy và học, các trường THPT còn phải “chạy đua” cho học sinh lớp 12 khi còn kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022.
Vừa dạy nội dung cốt lõi, vừa tranh thủ ôn tập
Riêng với học sinh khối 12, các trường THPT đều ưu tiên dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm học này, các trường đều phải chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến.
Trường THPT Trần Cao Vân có 510 học sinh khối 12. Cũng như các trường THPT khác tại Quy Nhơn, bước vào năm học chậm 6 tuần, trường ưu tiên dạy các nội dung cốt lõi trong chương trình lớp 12. Thời điểm này dịch phức tạp, riêng khối 12, những lớp có học sinh mắc Covid-19, trường cho tạm dừng đến trường và tổ chức dạy trực tuyến. Ngoài ra, giáo viên chủ động thu lại bài giảng trong mỗi tiết dạy, tóm lược kiến thức để đăng tải trên website, facebook của nhà trường, hoặc gửi trực tiếp cho học sinh để các em có thể tự học thêm khi ở nhà. Đến ngày 14.12, trường chỉ có 7 lớp 12 học trực tiếp, 4 lớp còn lại phải học trực tuyến.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân trong giờ học trực tiếp chiều 14.12. Ảnh: MAI HOÀNG
“Chúng tôi linh hoạt tất cả các giải pháp dạy và học cho học sinh lớp 12 vì các em còn có chặng đường thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới. Ban giám hiệu luôn nhắc nhở giáo viên, học sinh chú trọng cao phòng, chống dịch bệnh Covid-19; rà soát trang thiết bị phục vụ học trực tuyến đối với học sinh, đặc biệt đội ngũ giáo viên đã linh hoạt trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ dạy học trực tuyến”, ông Đỗ Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, cho hay.
Thời điểm này, khối 12 vẫn đang học theo chương trình và chuẩn bị bước vào giai đoạn thi học kỳ I, từ giữa tháng này. Tuy vậy, nhiều trường đã gần như hoàn thành nội dung cốt lõi môn học để tăng thời lượng luyện tập, rèn kỹ năng cho học sinh.
Thầy giáo Huỳnh Duy Thủy, Tổ trưởng Tổ Toán - Tin (Trường THPT chuyên Chu Văn An) cho biết: Thông qua việc sử dụng các phần mềm dạy học, chúng tôi hỗ trợ và thiết lập sự tương tác hai chiều giữa thầy và trò giúp các em có điều kiện đi sâu vào nội dung bài học, kể cả trong trường hợp không có mặt tại lớp học. Chú trọng hơn bao giờ hết việc đổi mới phương pháp dạy và học trong trạng thái bình thường mới với dạy và học theo phương pháp hợp tác; dạy và học theo chuyên đề, dự án; dạy và học theo cách giao việc, phản hồi thông tin, kết hợp kỹ thuật điều phối của người dạy. Trên hết vẫn là nâng cao ý thức, năng lực tự học của học sinh.
Hạn chế tối đa ảnh hưởng chất lượng
Dừng học trực tiếp từ giữa tuần trước do nằm trên “vùng đỏ” xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), Trường THPT Nguyễn Diêu chuyển sang học trực tuyến. Hiệu trưởng nhà trường Dương Thị Bích Liên cho biết, khối 12 có 510 học sinh cả hai hệ công lập và hệ công lập tự chủ. Ban giám hiệu chỉ đạo tổ bộ môn, giáo viên rà soát chương trình cốt lõi; đồng thời, động viên học sinh lớp 12, thiết lập kênh nắm bắt và trao đổi thường xuyên với phụ huynh để hỗ trợ cho các em học tập. Năm học trước, tỷ lệ tốt nghiệp của trường đạt 100%, năm nay trường cố gắng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến chất lượng học tập học sinh.
Trong khi đó, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định càng lo khi đầu tháng 12 này phải tiếp tục dừng học do xuất hiện học sinh mắc Covid-19. Ông Trần Xuân Bình, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Lớp 12 có 135 học sinh với 4 lớp học theo đó cũng tạm dừng học. Trong khi trước đó, kế hoạch đến đầu tháng 1.2022 tổ chức cho các em thi học kỳ I, sau đó tranh thủ thời gian đẩy nhanh nội dung chương trình cốt lõi để ôn tập cho học sinh chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm tới. Với tình hình dịch này, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của học sinh khối 12.
Sở GD&ĐT cho biết, hiện có 42 trường THPT tổ chức dạy học trực tiếp, riêng các trường trên địa bàn TX An Nhơn, 2 trường THPT tại Phù Mỹ, 2 trường tại Quy Nhơn, 1 trường tại Phù Cát, 1 trường tại Hoài Nhơn và 1 trường tại Tuy Phước dạy học trực tuyến từ 1 - 3 tuần. Ngoài ra, một số trường có học sinh thuộc diện F1 nên tạm dừng đến trường dạy học trực tiếp và chuyển sang dạy học trực tuyến một số lớp để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, hầu hết các trường đều thực hiện kịp tiến độ chương trình.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, với lợi thế về cơ sở vật chất và đội ngũ, các trường THPT đã chuyển trạng thái nhanh chóng từ trực tiếp sang trực tuyến với quy mô lớp hoặc quy mô toàn trường nên việc tổ chức dạy học rất linh hoạt, không gặp nhiều khó khăn như cấp tiểu học và THCS. Hiện, học sinh khối 12 cũng được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19, là một trong những điều kiện để an toàn hơn trong dạy và học trực tiếp, tăng thời lượng ôn tập cho học sinh đảm bảo tốt lượng kiến thức chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
MAI HOÀNG