KHẮC PHỤC KÊNH MƯƠNG, RUỘNG ÐỒNG HƯ HỎNG SAU MƯA LŨ:
Khẩn trương, kịp thời, đảm bảo tiến độ sản xuất vụ mới
Ðến nay, các địa phương đang khẩn trương khắc phục hệ thống kênh mương bị hư hỏng, các chân ruộng bị sa bồi thủy phá để sản xuất vụ Ðông Xuân 2021 - 2022.
Thống kê từ Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11 vừa qua, trên địa bàn tỉnh có 5.375 m đê, kè; 39.422 m kênh mương; 15.990 m bờ sông, bờ suối và 26 đập bổi, đập tạm bị sạt lở, hư hỏng; 91,2 ha ruộng bị sa bồi thủy phá.
HTXNN Nhơn Thọ 2 (TX An Nhơn) khắc phục hư hỏng kênh mương, ruộng đồng; xuống giống vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đạt khoảng 90% diện tích. Ảnh: PHẠM VĂN TÂN
Trong đợt mưa lũ vừa qua, TX An Nhơn là một trong các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo Phòng Kinh tế TX An Nhơn, đợt mưa lũ làm hư hỏng 20 công trình thủy lợi (đê kè, bờ ngự thủy xung yếu); 20 công trình kênh mương nội đồng, 5 trạm bơm và hàng chục héc ta ruộng bị sa bồi thủy phá. Ngay sau khi mưa lũ đi qua, UBND TX An Nhơn chỉ đạo Phòng Kinh tế, các địa phương cùng với người dân khẩn trương khắc phục, đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022.
Ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho hay, cùng với việc khắc phục hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, thị xã đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ 14,573 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, gia cố các công trình thủy lợi xung yếu.
Trong khi đó, để triển khai vụ Đông Xuân 2021 - 2022 kịp theo lịch thời vụ, huyện Hoài Ân đã huy động lực lượng, phương tiện sửa chữa công trình thủy lợi hư hỏng và khắc phục các vị trí bị sa bồi thủy phá. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn huyện Hoài Ân có nhiều đoạn kênh mương bị sạt lở; nhiều đập tạm, đập bổi bị nước lũ cuốn trôi; 15 ha ruộng bị sa bồi thủy phá, chủ yếu ở các xã vùng cao như Bok Tới, Đak Mang, Ân Sơn. Đối với diện tích bị đất cát vùi lấp nhiều, huyện đưa phương tiện cơ giới đến hỗ trợ người dân khắc phục. Đến nay, Hoài Ân cơ bản khắc phục tạm thời các hư hỏng công trình thủy lợi, ruộng đồng, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022.
Huyện An Lão cũng có gần 7.000 m kênh mương bị sạt lở, bồi lấp, trên 30 đập bổi bị nước lũ cuốn trôi. Chính quyền địa phương cùng với người dân khắc phục cơ bản, đảm bảo sản xuất vụ mới. Đồng thời, UBND huyện An Lão cũng vừa trích kinh phí hơn 800 triệu đồng để hỗ trợ gần 25 tấn lúa giống cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất vụ Đông Xuân.
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trên cơ sở rà soát, thống kê thiệt hại hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, Sở NN&PTNT giao Chi cục Thủy lợi, đơn vị quản lý tiến hành khắc phục, sửa chữa các hư hỏng lớn; các điểm sạt lở nhỏ thì chính quyền địa phương và người dân khẩn trương khắc phục để đảm bảo sản xuất. Về lâu dài, Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh thực hiện sửa chữa, nâng cấp 12 hồ chứa nước xung yếu, nâng cấp các công trình thủy lợi có tính hệ thống để phát huy hiệu quả một cách đồng bộ.
Cùng với khắc phục hậu quả mưa lũ, đến nay, ngành Nông nghiệp chủ động các giải pháp trong sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022. Hiện 163 hồ chứa đã tích đầy nước phục vụ sản xuất; các chân ruộng 3 vụ đã xuống giống hơn 8.000 ha, chân ruộng 2 vụ đang xuống giống tập trung. “Dự báo từ đây đến cuối tuần, khu vực Bình Định có khả năng xuất hiện mưa lớn. Trên cơ sở này, Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Côn - Hà Thanh thực hiện công tác điều tiết nước phù hợp để giảm ngập, tránh tình trạng mất giống và đảm bảo đủ nước cho cả vụ sản xuất”, ông Chương cho hay.
THU DỊU