Nông nghiệp Bình Định đang chuyển mình - Kỳ 1: “Chìa khóa” khoa học & công nghệ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xác định: Phát triển nông - lâm - thủy sản dựa trên công nghệ cao là một trong 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 5 năm tới. Để thực hiện được mục tiêu này, có thể khẳng định KH&CN là giải pháp mang tính then chốt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.
Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là xu thế tất yếu để gia tăng giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.
Những thành tựu ghi dấu ấn
Cuối tháng 7.2020, sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm gà lần đầu tiên diễn ra tại Bình Định, do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh phối hợp tổ chức thu hút 600 đại biểu đến từ Trung ương, 13 tỉnh Nam Trung bộ - Tây Nguyên… Sự kiện này tiếp tục khẳng định thế mạnh của Bình Định với thành công của các thương hiệu gà giống Minh Dư (Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư), Cao Khanh (Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh).
Đặc biệt, “Vua gà ta” Lê Văn Dư - Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã đưa gà giống Việt Nam vươn ra thế giới. Hiện Minh Dư có 3 cơ sở sản xuất gà giống quy mô lớn tại các xã: Phước Nghĩa, Phước Thành (huyện Tuy Phước) và Nhơn Tân (TX An Nhơn) với tổng đàn 1,26 triệu con, trong đó 9.450 con gà cụ kỵ, 94.500 con gà ông bà, hơn 1,1 triệu con gà bố mẹ. Minh Dư đã chọn tạo được tổ hợp gà giống: MD1.BĐ, MD2.BĐ và MD3.BĐ năng suất, chất lượng vượt trội, được Bộ NN&PTNT công nhận công nghệ mới; Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN; UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP hạng “5 sao”. Trở thành nhà cung ứng gà ta số 1 Việt Nam, mỗi năm Công ty Minh Dư đưa ra thị trường 100 triệu con gà giống thương phẩm (xuất khẩu 5%).
“Gà giống Minh Dư” ứng dụng công nghệ tạo năng suất chất lượng vượt trội. Ảnh: T.SỸ
“Đó là thành quả mang dấu ấn KH&CN. Chúng tôi xem việc áp dụng công nghệ cao là khâu đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm vàhiệu quảkinh tếsản xuất gà giống”, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Giám đốc Lê Văn Dư khẳng định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Việt Nam đang sở hữu bộ giống gà phong phú, đa dạng, năng suất chất lượng cao. Đặc biệt, một số DN trong nước như gà giống Minh Dư đã giữ được những giống gà cụ kỵ, đây là nguồn gen quý để tiếp tục lai tạo ra các dòng gà mới có năng suất chất lượng cao. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2040, chăn nuôi gia cầm được chú ý, thúc đẩy nhanh theo cả 2 hướng thịt và trứng, đáng chú ý sẽ tập trung vào các giống gà bản địa.
Những ứng dụng về KHKT vào sản xuất nông nghiệp ngày càng được các địa phương quan tâm. 5 năm gần đây, ngoài là “vựa heo”, một cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với sản phẩm lúa hữu cơ, các loại cây ăn trái…đi từ chủ trương đúng đắn của cấp ủy đảng, đến vận động, triển khai của chính quyền được người dân huyện Hoài Ân đón nhận.
Một trong những người đi tiên phong là ông Đặng Văn Cấp (xã Ân Tường Tây) đã chuyển đổi thành công 12 ha đất đồi sang trồng bưởi da xanh, bơ, quýt đường… doanh thu 500 - 700 triệu đồng/năm. “Tin tưởng chủ trương phát triển cây ăn trái làm sản phẩm chủ lực của huyện, tôi bắt tay làm ngay. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đang hướng dẫn tôi chuyển đổi canh tác VietGAP, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP”, ông Cấp phấn khởi nói.
Nông dân Hoài Ân chuyển đổi, ứng dụng thành công KHKT cho năng suất, chất lượng cao đối với cây ăn trái . Ảnh: N.NHUẬN
2 năm trước, tại Hoài Ân, HTXNN Ân Tín là đơn vị đầu tiên trong tỉnh trồng lúa sạch theo hướng hữu cơ, đến nay đã xuất hiện thêm nhiều HTXNN hướng đến công nghệ cao như HTXNN La’sfarm Ân Phong, HTXNN 19.4, HTXNN Trà Gò Loi, HTX Thanh niên Hoài Ân. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân Võ Duy Tín cho hay: Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030 của huyện chú trọng phát triển cây ăn trái giá trị kinh tế cao. Huyện đầu tư, hỗ trợ nông dân triển khai áp dụng KHKT vào sản xuất, chế biến. Các cây trồng thế mạnh được chuẩn hóa quy trình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Trong khi đó, thủy sản tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, sản lượng khai thác và nuôi trồng bình quân tăng 4,4%/năm. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Văn Vinh cho hay, Bình Định chú trọng phát triển đánh bắt, sản xuất, tiêu thụ cá ngừ đại dương (CNĐD), với hơn 2.100 tàu cá chuyên khai thác, sản lượng 9.000 - 10.000 tấn/ năm. Ngư dân thành công ứng dụng công nghệ trong khai thác, bảo quản CNĐD từ hỗ trợ của dự án chuyển giao công nghệ, ngư cụ của Nhật để tiêu thụ, xuất khẩu. Ngành Thủy sản còn hỗ trợ ngư dân ứng dụng công nghệ na no UFB bảo quản CNĐD để tăng giá trị kinh tế.
Ngư dân ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương. Ảnh: N.NHUẬN
Sự khẳng định của các mô hình
Bình Định có diện tích lúa hơn 110 nghìn ha. Mô hình cánh đồng lớn theo phương pháp thâm canh sản xuất lúa cải tiến (SRI) từ năm 2012 đến nay có hơn 1.200 nông hộ tham gia 1.500 ha tại Tây Sơn, Tuy Phước, Hoài Nhơn tạo ra những cánh đồng tăng thu nhập 22 - 26% cho nông dân so với sản xuất truyền thống.
Ông Hồ Thiện, Giám đốc HTXNN Phước Sơn 1 (huyện Tuy Phước), cho biết, vụ Đông Xuân 2012 - 2013, HTX áp dụng mô hình canh tác lúa cải tiến SRI trên cánh đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống 100 ha. SRI nổi bật với “3 tăng, 3 giảm” - tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả - giảm lượng giống, giảm phân bón, giảm thuốc trừ sâu. Chúng tôi bắt đầu SRI với 5 ha, đến 2016 kết thúc thí điểm HTX nhân rộng và tăng diện tích lên 100 ha/539 hộ dân.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn Tôn Kỳ Hải nhấn mạnh: Thành công của SRI trên địa bàn xã là kết quả từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
“Đến năm 2025, ngành Nông nghiệp tăng diện tích lúa SRI lên 5.000 ha, vừa góp phần tăng thu nhập cho nông dân, vừa gia tăng khả năng thích ứng sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiều Văn Cang cho biết.
Lĩnh vực thủy sản, ngoài CNĐD, tỉnh cũng bắt đầu tạo dựng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao 460 ha tại Mỹ Thành (Phù Mỹ) và 150 ha ở Cát Thành (Phù Cát)…
Trên 106 ha tại khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao Mỹ Thành, Tập đoàn Việt - Úc đầu tư xây dựng 39 trại nhà lưới (156 ao nuôi tôm) và 10 trại nhà màng (140 ao nuôi). Giám đốc Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (Tập đoàn Việt - Úc) Nguyễn Văn Thảo hào hứng nói: Tất cả ao nuôi được áp dụng quy trình sản xuất Israel, kiểm soát nghiêm ngặt vềtiểu khí hậu nhà kính, sinh học nhà kính, dịch hại nhà kính. Chúng tôi áp dụng công nghệ biofloc nhà màng và biofloc nhà lưới cho phép chỉ sử dụng từ 15 - 30% nước cấp vào ao nuôi ngay từ đầu. Tôm thả nuôi 4 vụ/năm, năng suất 60 tấn/ha, gấp 2 lần năng suất tôm thẻ chân trắng nông dân nuôi thâm canh; xuất bán 100 tấn/ngày…
T.HIỀN - T.DỊU - T.SỸ - N.NHUẬN
Kỳ 2: Cùng nhau để đi xa.