XÃ PHƯỚC QUANG (HUYỆN TUY PHƯỚC):
Ruộng bị sa bồi, thủy phá do bờ tràn thấp
Theo người dân ở thôn Định Thiện Đông, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước), trước khi xây dựng bờ tràn tiêu thoát lũ tại cánh đồng đội 9, thôn Định Thiện Đông thì các cánh đồng này hầu như không bị thiệt hại do mưa lũ. Từ năm 2016, khi bờ tràn tiêu thoát lũ được xây dựng và đưa vào sử dụng thì nhiều hec ta đất canh tác ở đây bị sa bồi, thủy phá nghiêm trọng.
Theo UBND xã Phước Quang, năm nay ở thôn Định Thiện Đông có hơn 3 ha đất sản xuất lúa bị sa bồi, thủy phá nặng nề, chưa thể khắc phục kịp để triển khai sản xuất vụ Đông Xuân này.
Nhiều diện tích ruộng lúa ở đội 9, thôn Định Thiện Đông (xã Phước Quang) bị sa bồi, thủy phá có nguy cơ bỏ hoang. Ảnh: VĂN LƯU
Ngày 9.12, chúng tôi chứng kiến tại cánh đồng đội 9, nơi bị sa bồi, thủy phá nặng, nhiều người dân đang dọn cỏ, bốc dỡ đất, cát bị sa bồi để làm lúa Đông Xuân, thế nhưng khối lượng đất, cát bị bồi lấp vẫn còn khá lớn. Ông Tô Hữu Vy, có ruộng tại đây, than thở: “Khối lượng đất cát bồi lấp dày và rộng cả nghìn mét vuông nên khó mà thu dọn hết được, chắc lại phải bỏ hoang thôi”.
Ngoài ra, nhiều đoạn đường giao thông ở đây cũng bị nước lũ làm hư hỏng, hệ thống kênh, mương dẫn nước trong vùng cũng bị đất cát bồi lấp, hoặc phá vỡ chưa khắc phục được.
Ông Nguyễn Văn Ghe, Phó Giám đốc HTX NN Phước Quang, xác nhận: Trước đây tại cánh đồng đội 9, không có hiện tượng ruộng bị sa bồi, thủy phá. Nhưng từ khi xây dựng bờ tràn nhằm giảm áp lực, lưu lượng nước vùng hạ lưu sông Côn, mỗi khi có lũ đã gây sa bồi thủy phá nhiều diện tích ruộng lúa, hư hỏng đường giao thông, phá vỡ kênh mương nội đồng. Nguyên nhân là do bờ tràn xây dựng quá thấp, nước từ thượng nguồn đổ về kéo theo đất cát gây sa bồi. Trước thực trạng này, hàng năm UBND huyện Tuy Phước cũng đã quan tâm hỗ trợ kinh phí để địa phương khắc phục. Tuy nhiên, người dân mong muốn ngành chức năng sớm kiểm tra, đánh giá lại hiệu quả và những hệ lụy từ việc xây dựng bờ tràn để có phương án nâng cấp phù hợp hơn, hạn chế sa bồi thủy phá.
“Hiện HTX NN Phước Quang đã rà soát diện tích đất sản xuất lúa không gieo sạ được để đề nghị UBND huyện và cấp trên hỗ trợ gạo cho các hộ bị ảnh hưởng. Về lâu dài, kiến nghị UBND huyện đầu tư nâng bờ tràn cao thêm 50 cm để hạn chế tình trạng sa bồi thủy phá, tránh thiệt hại cho nhân dân”, ông Ghe kiến nghị.
VĂN LƯU