Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân nhồi máu não
Kỹ thuật tiêu sợi huyết tĩnh mạch bằng chất hoạt hóa plasminogen mô tái tổ hợp (rtPA) được triển khai đồng bộ và rộng rãi tại Bình Định, góp phần gia tăng cơ hội sống cho bệnh nhân mắc chứng nhồi máu não cấp.
Ông Nguyễn Hùng H. ở xã Cát Tài, huyện Phù Cát được đưa đến BVĐK tỉnh trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, liệt nửa người và không nói được. Khoảng 1 giờ sau khi được điều trị bằng kỹ thuật tiêu sợi huyết, các triệu chứng nói ngọng, liệt người đã thuyên giảm. 1 ngày sau, bệnh nhân nói rõ ràng hơn, bắt đầu tập đi lại. Đến ngày thứ 2 bệnh nhân có thể tự đi lại và xuất viện.
BVĐK tỉnh bắt đầu triển khai kỹ thuật tiêu sợi huyết từ năm 2015, đến nay mỗi năm điều trị cho hơn 100 bệnh nhân. Gần đây có thêm Bệnh viện Bình Định và BVĐK khu vực Bồng Sơn đưa vào áp dụng kỹ thuật này.
Bác sĩ CKII Hà Thị Phi Điệp, Trưởng Đơn nguyên Thần kinh đột quỵ, Bệnh viện Bình Định, người có nhiều năm theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Bình Định cho biết: “Hiện nay để điều trị bệnh nhân nhồi máu não cấp, kỹ thuật tiêu sợi huyết được xem là tối ưu. Kỹ thuật này dễ ứng dụng, chi phí thấp, giảm tỷ lệ tử vong và giảm tàn phế cho người mắc bệnh”.
Bác sĩ CKII Hà Thị Phi Điệp hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân đột quỵ trước khi xuất viện. Ảnh: HỒNG HÀ
Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Thần kinh, BVĐK tỉnh, cho biết thêm: “Kỹ thuật tiêu sợi huyết chỉ đạt hiệu quả tối đa với những bệnh nhân đến bệnh viện trong tầm 4 - 5 giờ kể từ khi phát bệnh, thời gian càng ngắn hiệu quả càng cao”. Chính vì điều này mà BVĐK tỉnh đã thiết lập Đội phản ứng nhanh với đột quỵ và xây dựng quy trình điều trị chuẩn. Nhờ vậy, thời gian hội chẩn và xử lý người bệnh chỉ còn từ 10 - 15 phút, thời gian điều trị từ 30 - 40 phút. Bệnh viện cũng tích cực chuyển giao gói kỹ thuật này cho các cơ sở y tế đủ điều kiện, nhằm hạn chế tối đa các rủi ro cho bệnh nhân.
Đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá kết quả điều trị tiêu sợi huyết tĩnh mạch bằng rtPA ở bệnh nhân nhồi máu não cấp tại BVĐK tỉnh” do bác sĩ CKII Hà Thị Phi Điệp làm chủ nhiệm đã được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu hôm 9.12, xếp loại xuất sắc.
Từng là bệnh nhân được điều trị nhồi máu não tại BVĐK khu vực Bồng Sơn, anh N.V.N. (phường Hoài Thanh, TX Hoài Nhơn) chia sẻ: “Nhờ kỹ thuật được triển khai tại thị xã nên tôi đã được điều trị kịp thời, không để lại di chứng. Nếu như phải mất thời gian chuyển viện vào TP Quy Nhơn, không biết nguy hiểm thế nào”.
Tại Bệnh viện Bình Định, ngoài việc tiếp nhận quy trình điều trị từ BVĐK tỉnh, bệnh viện còn chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi, đầu tư các trang thiết bị hiện đại như: Máy chụp cắt lớp (CT), máy chụp cộng hưởng từ (MRI), hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền DSA, hệ thống xét nghiệm hiện đại chuẩn ISO... để gia tăng hiệu quả điều trị.
Theo thống kê, khoa Thần kinh của BVĐK tỉnh hằng năm tiếp nhận 1.500 - 1.700 bệnh nhân nhồi máu não, trong đó tỷ lệ bệnh nhân vào viện trước 4 - 5 giờ chỉ chiếm khoảng 7 - 9%. Vì vậy, việc giáo dục cộng đồng phát hiện sớm và xử trí đột quỵ đúng cách là một việc làm hết sức cần thiết. Mặc khác, gần đây nhiều bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhưng ngại đến bệnh viện do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. “Các trường hợp nhồi máu não dù nhẹ nhưng nếu không được xử lý kịp thời vẫn có thể để lại di chứng. Do vậy, ai cũng nên tự trang bị những kiến thức cần thiết để xử lý người bệnh đúng cách trước khi đưa vào bệnh viện” - bác sĩ Điệp tha thiết yêu cầu.
HỒNG HÀ