Người giữ hồn chiêng H’re
Nhiều năm qua, ông Đinh Xuân Hải, 61 tuổi, ở thôn 6, xã An Trung, huyện An Lão đã có nhiều việc làm thiết thực để gìn giữ và phát huy giá trị của chiêng H’re trong đời sống cộng đồng.
Với ông Hải, tiếng chiêng H’re đã ngấm vào máu thịt, ông ví những chiếc chiêng như thành viên trong gia đình và cất giữ nó ở nơi trang trọng nhất trong nhà. Vào những ngày nghỉ cuối tuần của tháng, trong ngôi nhà dài của mình, ông Hải tổ chức dạy cho thanh niên trong làng cách đánh chiêng. Không chỉ có vậy, ông Hải còn tham gia rất tích cực các hoạt động biểu diễn cồng chiêng ở địa phương. Tại Liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số huyện An Lão lần thứ I năm 2020, ông Đinh Xuân Hải cùng các thành viên của đội chiêng xã An Trung đã xuất sắc giành giải A.
Ông Đinh Xuân Hải (ngoài cùng bên phải) đang đánh chiêng. Ảnh: HUỲNH NGỌC
Theo ông Hải, chiêng là bộ môn nghệ thuật truyền thống của người H’re, là sự kết hợp nhuần nhuyễn và bài bản của bộ chiêng, gồm ba chiếc: Chiêng Toa, chiêng Tum và chiêng Vông; đánh theo nhịp đập, trong đó chiêng Toa đòi hỏi kỹ năng đánh cao nhất. Để lôi cuốn và gây được ấn tượng với công chúng, người biểu diễn phải khổ công luyện tập, dồn cả niềm say mê vào trong đó thì tiếng chiêng mới ngân vang và phong cách trình diễn mới vững vàng, thanh thoát.
Ông Đinh Xuân Hải đang lưu giữ được hai bộ chiêng, trong đó có bộ chiêng ba được gia đình ông gìn giữ suốt ba thế hệ. Ông Hải tâm sự, chiêng là tiếng lòng, là tâm hồn của cộng đồng dân cư, là biểu tượng H’re vì thế giữ gìn được chiêng và nghệ thuật đánh chiêng là giữ gìn một phần bản sắc văn hóa H’re.
Ông Châu Anh Tế, Trưởng phòng VH&TT huyện An Lão, nhận xét: Người am hiểu nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là biết đánh chiêng của dân tộc H’re như ông Đinh Xuân Hải nay không nhiều. Với ý thức và trách nhiệm của mình, ông Hải không những đã tự trau dồi mà còn nỗ lực truyền lại cho các thế hệ trẻ của cộng đồng H’re, điều đó rất đáng quý.
AN NHIÊN