Ðưa di sản vào thế giới số
UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao Sở VH&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan nghiên cứu và triển khai thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa theo Quyết định số 2026/QÐ-TTg ngày 2.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Ðây được xem là bước tiến mới trong công tác bảo tồn di sản tại tỉnh Bình Ðịnh.
Đổi mới trong bảo tồn di sản
Dù ít và đơn lẻ nhưng những năm qua, với nỗ lực tự thân, ngành Văn hóa Bình Định - đặc biệt trong lĩnh vực thư viện, bảo tàng đã có một số bước đi bài bản trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, mở rộng biên độ và không gian phục vụ; đặc biệt ở lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng. Điều này thể hiện khá rõ tại Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, mà điển hình là việc số hóa công tác sưu tầm, kiểm kê hiện vật với phần mềm Quản lý thông tin hiện vật tại các bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa.
Bảo tàng Quang Trung từng bước đổi mới để thu hút khách, nhất là số hóa hiện vật trưng bày bằng mã QR. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Chúng tôi hiểu rất rõ vai trò, sức mạnh và khả năng hỗ trợ của KHCN với công việc của mình nên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, ngay cả khi điều kiện đầu tư còn hạn hẹp. Năm 2014, Sở VH&TT phối hợp với Sở KH&CN xây dựng bản đồ khảo cổ học Bình Định và chuyển giao cho Bảo tàng tỉnh sử dụng. Hằng năm, chúng tôi kiểm tra tất cả các di tích, phế tích để phát hiện những di tích, phế tích còn khả năng nghiên cứu, khai quật thì chấm tọa độ và bổ sung đưa vào bản đồ khảo cổ học. Đến nay, chúng tôi đã cập nhật dữ liệu 80 điểm di tích, phế tích từ các nền văn hóa tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, Champa… ở 11 huyện, thị xã thành phố trong tỉnh lên bản đồ khảo cổ trên website của đơn vị, phục vụ giới nghiên cứu trong nước và quốc tế. Chỉ một dự án này thôi đã tạo rất nhiều thuận lợi không chỉ riêng cho chúng tôi mà còn cả nhiều ngành, đơn vị khác.
Bảo tàng Quang Trung hiện đang lưu giữ, trưng bày hơn 11.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu giới thiệu về phong trào nông dân Tây Sơn, vương triều Tây Sơn. Từ năm 2019, Bảo tàng Quang Trung ứng dụng quét mã QR để tìm thông tin hiện vật trưng bày tại đây.
Ông Châu Kinh Tú, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung, cho biết: “Thông qua phần mềm Tham quan Bảo tàng Quang Trung cài đặt trên thiết bị di động có kết nối internet, khi quét mã QR, du khách có đầy đủ thông tin, hình ảnh hiện vật trưng bày mà không cần thuyết minh viên. Việc số hóa kho dữ liệu qua phần mềm giúp lưu trữ một cách lâu dài những thông tin, hình ảnh về toàn bộ hiện vật từ những bia đá, vũ khí, thân thế, sự nghiệp của những dũng tướng thời Tây Sơn, vương triều Tây Sơn…”.
Cần đầu tư lâu dài
Số hóa di sản văn hóa đóng góp tích cực vào trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, quá trình này cần được đầu tư lâu dài gắn với các chương trình khác trong chiến lược phát triển văn hóa.
Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Huỳnh Văn Lợi, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích và tất yếu, vì thế ở góc độ quản lý, Sở VH&TT đã có văn bản chỉ đạo Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Quang Trung, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh báo cáo việc tham gia chuyển đổi số và kế hoạch triển khai vấn đề này để có thể định hướng, chỉ đạo và hỗ trợ.
Mục tiêu Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 là 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, các di sản, di tích được số hóa và truyền tải lên các nền tảng số. Đặc biệt, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích. 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số…
Nói về việc ứng dụng KHCN vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh hào hứng: “Tri thức, thông tin về những gì chúng tôi đang quản lý là vô giá, vì vậy khi có thể số hóa và đưa chúng lên không gian mạng, sẽ tạo ra sức hút rất lớn, mang lại nhiều lợi ích cho tỉnh ta. Hy vọng tới đây khi có được cơ sở vật chất mới, Bảo tàng tỉnh sẽ tạo nên sức bật mới, lan tỏa rộng hơn nữa”.
Tương tự, ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết, đơn vị cũng đang rà soát để lập kế hoạch trình Sở VH&TT chương trình số hóa các hiện vật, tài liệu về nghệ thuật bài chòi và tuồng; hiện vật trưng bày về thân thế và sự nghiệp của Đào Tấn…
Bảo tàng Quang Trung cũng đang phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn xây dựng “bảo tàng ảo” áp dụng công nghệ thực tế ảo trong trưng bày hiện vật, cho phép khách tham quan bảo tàng từ xa. “Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Sở Du lịch cập nhật thêm thông tin của Bảo tàng trên app “Du lịch Quy Nhơn - Bình Định” để nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch, nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan bảo tàng”, Giám đốc Bảo tàng Quang Trung Châu Kinh Tú chia sẻ thêm.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN