Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, hiện đại, có bản sắc riêng
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, yêu cầu quan trọng đặt ra là phải xác định rõ định hướng đối với phát triển văn hóa trong giai đoạn mới. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Bích Ly - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, xung quanh vấn đề này.
● Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là dịp để cả nước và từng ngành, địa phương nhìn nhận, đánh giá lại kết quả thực hiện từng mặt, từng lĩnh vực trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong một thời gian khá dài. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của Bình Định?
- Trước hết, phải khẳng định Bình Định là địa phương có nền văn hóa lâu đời, đa dạng. Trải qua quá trình lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên truyền thống và để lại những di sản văn hóa vô cùng quý giá. Đồng thời, tạo cho con người Bình Định vừa có những phẩm chất cao quý của người Việt Nam, vừa có sắc thái riêng của người Bình Định. Truyền thống đó hòa quyện với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội tạo thành động lực to lớn góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.
Trong những năm qua, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả ở địa phương. Môi trường văn hóa từng bước được cải thiện, các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy bền vững giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh gắn với duy trì và tổ chức thường xuyên hoạt động lễ hội, góp phần phát huy giá trị, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả, nền nếp và thực chất hơn. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, mỹ thuật, biểu diễn, triển lãm, văn nghệ quần chúng ở cơ sở diễn ra sôi nổi. Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và các phương tiện nghe, nhìn đã góp phần thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, cải thiện môi trường văn hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ, tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.
Những kết quả quan trọng nêu trên đã tạo tiền đề để góp phần xây dựng và hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội, nhằm đạt mục tiêu xây dựng văn hóa, con người Bình Định ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ.
● Bên cạnh kết quả, thành tựu, chắc chắn vẫn còn những mặt hạn chế. Nhìn thẳng, đánh giá đúng thực trạng và với định hướng phát triển văn hóa được đề ra từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bình Định sẽ tập trung cho những nhiệm vụ chủ yếu nào để phát triển văn hóa, thưa đồng chí?
- Trên thực tế, hiện nay, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa, con người chưa thật sự sâu sắc, toàn diện. Do đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là tuyên truyền, quán triệt và triển khai gắn với giám sát chặt chẽ kết quả thực hiện các chủ trương lớn của Đảng về văn hóa; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.
Biểu diễn hát bả trạo tại ngày hội văn hóa - thể thao miền biển tỉnh. Ảnh: N.V.T
Chú trọng việc xây dựng con người Bình Định phát triển toàn diện về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, với đặc trưng riêng văn hóa Bình Định. Cùng với đó là chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể trong tỉnh; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đồng thời, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hóa, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh; bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cần huy động hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng. Quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bảo đảm hài hòa với phát triển du lịch.
● Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của gia đình trong xây dựng văn hóa của mỗi cá nhân. Theo đồng chí, cần làm gì để phát huy vai trò của “thành trì gia đình” trong giai đoạn hiện nay?
- Trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm triển khai công tác xây dựng gia đình văn hóa gắn với các phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”..., qua đó đã góp phần phát huy truyền thống gia đình, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Tuy nhiên, sự xâm nhập ồ ạt, khó kiểm soát của những yếu tố phản văn hóa từ nước ngoài đã ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thanh thiếu niên. Đáng lo ngại là tình trạng lệch lạc về nhận thức, nghèo nàn về thẩm mỹ.
Do đó, để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bên cạnh việc tiếp thu có chọn lọc tinh hóa văn hóa nhân loại, mỗi gia đình cần phải giữ gìn nền nếp, gia phong, phát huy vai trò, chức năng giáo dục đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục… cho mỗi thành viên. Để gia đình thật sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nếp sống văn hóa cho mỗi con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, thông tin cần được tăng cường; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa có vi phạm; phòng, chống các tệ nạn xã hội, các sản phẩm văn hóa độc hại, qua đó, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Mục tiêu cuối cùng là xây dựng văn hóa từ trong gia đình, giữ lấy nếp nhà, gia phong để gia đình thật sự là hạt nhân đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.
● Xin cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)