Trẻ em và nỗi lo tai nạn thương tích trong ngày hè
Mùa hè là thời gian các em học sinh được nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng đây cũng là quãng thời gian các em dễ gặp các tai nạn, thương tích (TNTT) đáng tiếc. Do đó, việc đề phòng, hạn chế đến mức thấp nhất các TNTT cho trẻ là rất cần thiết.
Theo báo cáo của Phòng Chăm sóc - Bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), trong quý I.2014, ở tỉnh ta đã xảy ra 63 trường hợp TNTT ở trẻ em, làm 15 trẻ em tử vong (các trường hợp đuối nước chiếm tỉ lệ cao nhất). Tuy nhiên, đây là số liệu thống kê chưa đầy đủ, vì còn nhiều trường hợp bị TNTT nhẹ hoặc do gia đình không khai báo nên ngành chức năng chưa thể tổng hợp.
Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trưởng khoa Ngoại chấn thương - Bỏng (BVĐK tỉnh), phân tích: TNTT ở trẻ em được chia làm 3 dạng: tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Trong đó, tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ có độ tuổi từ 1 - 7 tuổi, nguyên nhân là do bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá của các em; nhưng các em hoàn toàn chưa ý thức được cách phòng ngừa rủi ro. Tai nạn sinh hoạt gồm có tai nạn sinh hoạt xảy ra tại nhà do bỏng điện, lửa, nước sôi, hóa chất, té ngã, tiếp xúc các vật sắc nhọn, dễ vỡ và tai nạn sinh hoạt do môi trường bên ngoài như bị đuối nước, chấn thương do tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao ngoài trời. Tiếp đến là tai nạn giao thông, mọi trẻ em từ thành thị cho đến trẻ em nông thôn đều rất dễ gặp phải. Lúc xảy ra tai nạn bất ngờ thì trẻ thường bị động, không có phản ứng tự vệ kịp thời để bảo vệ bản thân; hoặc là do các em điều khiển các phương tiện xe đạp điện, xe máy điện nhưng không làm chủ tốc độ; hoặc là do tụ tập vui chơi dưới lòng lề đường nhưng không quan sát phương tiện tham gia giao thông qua lại cũng dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Cuối cùng là tai nạn lao động, thường gặp ở trẻ em nông thôn do sử dụng các loại nông cụ như rựa, lưỡi liềm,…để làm việc nhưng không cẩn thận, dẫn đến các trường hợp TNTT.
Thực tế cho thấy, TNTT đã để lại nhiều hậu quả nặng nề cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Đơn cử như trường hợp em Nguyễn Minh Triết (10 tháng tuổi, sinh ngày 26.8.2013, ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) bị bỏng nước sôi độ II và nhập viện vào ngày 16.5. Hay như em Nguyễn Quốc Huy (2 tuổi, SN 2012, ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) bị shock đa chấn thương do TNGT, phải nhập viện để điều trị vào ngày 4.5 vừa qua và hàng chục vụ TNTT trẻ em khác. Điều đáng lưu ý là nguyên nhân của các TNTT trên hầu hết bắt đầu từ việc phụ huynh lơ là, thiếu sự quản lý, chăm sóc con em mình.
Từ đầu năm cho đến ngày 1.5, Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng BVĐK tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 100 trường hợp TNTT ở trẻ em. Trong đó, TNTT sinh hoạt do bỏng điện, lửa, nước sôi, hóa chất là 53 trường hợp; TNTT sinh hoạt do té ngã là 25 trường hợp; TNTT giao thông là 27 trường hợp; TNTT lao động là 4 trường hợp.
Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh nhìn nhận: Mặc dù số trẻ bị TNTT chưa đến mức báo động đỏ nhưng đang có chiều hướng tăng cơ học và các trường hợp gặp TNTT cũng rất đa dạng như đuối nước, bỏng do nước sôi, lửa, điện, té ngã, ngã xe,…Do đó, ngoài thời gian chăm sóc, quản lý con cái thì mỗi gia đình, nhất là các bậc phụ huynh, người lớn cần phải cập nhật thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe trẻ em, về sơ cứu một số trường hợp đơn giản. Khi trong gia đình xảy ra trường hợp TNTT ở trẻ em, việc cần thiết nhất là phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, chữa trị kịp thời, nhanh chóng.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng, chuyên viên Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: Ngày 1.4, Phòng đã ban hành văn bản số 507/SLĐTBXH-BVCSTE về việc tăng cường công tác phòng, chống TNTT ở trẻ em. Qua đó, để hạn chế tình trạng trên, các ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác giám sát, tuyên truyền trên loa phát thanh, tại các trường học; cấp phát tờ rơi, cắm biển báo nguy hiểm ở những nơi thường xảy ra TNTT trẻ em như nút giao thông, các hố công trình, sông suối, bãi biển, bến đò ngang,…Đặc biệt, trong dịp hè này, Phòng sẽ phối hợp với ngành chức năng tổ chức 6 lớp dạy bơi nhằm hướng dẫn kỹ năng bơi lội và cách phòng ngừa đuối nước cho các em.
PHÚC LỘC