Họ đã tỏa sáng
Trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu vừa được Trung ương Hội LHTN Việt Nam tuyên dương tại chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2021, Bình Định có anh Diệp Văn Thạch và chị Nguyễn Thị Mỹ. Họ là những tấm gương giàu nghị lực, cố gắng vượt qua nghịch cảnh và đóng góp tiêu biểu cho cộng đồng.
Diệp Văn Thạch - Thắp sáng cuộc đời
Là con thứ 4 trong một gia đình đông anh em ở thôn Hội Nhơn, xã Ân Hữu (huyện Hoài Ân), anh Diệp Văn Thạch (SN 1993) cũng như bao đứa trẻ khác khi sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Thế nhưng, vừa tròn 2 tuổi, anh bị bệnh đục thủy tinh thể và hoàn toàn mất thị lực lúc 6 tuổi, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào sự giúp đỡ của người thân.
Năm 2012, được sự động viên của Đoàn Thanh niên xã Ân Hữu và người thân trong gia đình, anh Thạch đã mạnh dạn đăng ký đi học tại Trung tâm Nguyễn Nga (Chi hội Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo trợ quyền trẻ em tỉnh Bình Định). Trong thời gian gắn bó với trung tâm, anh cố gắng hòa nhập với môi trường mới; bắt đầu tiếp xúc với chữ nổi, dần biết đọc, biết viết, chăm chỉ, nỗ lực vươn lên từng ngày.
Trong anh lúc nào cũng nung nấu mơ ước có được một nghề để tự nuôi sống bản thân. Anh Thạch đăng ký tham gia lớp học về Sân khấu Tuồng - Hát bội tại Trung tâm. Sau khi tốt nghiệp, anh được Đoàn Thanh niên xã và Trung tâm giới thiệu đi biểu diễn hát Bội, đàn Bầu, Bài chòi… phục vụ đám tang, lễ hội và khách du lịch trong, ngoài tỉnh. Công việc thích hợp và có thu nhập ổn định, đủ nuôi sống bản thân. Ngoài ra, thời gian rảnh, anh còn nuôi chim bồ câu, chăm sóc cây cảnh để kiếm thêm thu nhập, phụ giúp gia đình.
Anh Thạch tâm sự, mong muốn có thêm các kỹ năng sống, được hòa mình vào xã hội để cuộc sống ý nghĩa hơn, năm 2018, anh bắt đầu tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương. Anh đã vận động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ sửa chữa nhà cho thanh niên khuyết tật; vận động gia đình tình nguyện hiến máu nhân đạo; quyên góp tiền, trang thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch và tặng quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách; dạy đàn Bầu cho thanh niên khiếm thị…
Anh Thạch đã không ngừng cố gắng, sống gương mẫu, chấp hành và vận động gia đình, thanh niên trong xóm thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các quy định ở khu dân cư, tích cực tham gia các hoạt động do thôn, xóm tổ chức...
Nguyễn Thị Mỹ - Tấm gương vượt khó
Chị Nguyễn Thị Mỹ (SN 1991, ở xã Bình An, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) ngay từ khi sinh ra đã không được nhìn thấy ánh sáng. Tuy vậy, bằng ý chí kiên cường, chị Mỹ đã vượt qua những khó khăn, rào cản đối với bản thân, góp sức giúp đỡ nhiều người khuyết tật tại địa phương.
Chị Mỹ cho biết: Năm lên 7 tuổi, chị được gia đình gửi vào học tại Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng). Học hết lớp 9, chị nghỉ học và học nghề xoa bóp, bấm huyệt dành cho người khiếm thị tại trường. Đến năm 2009, chị xin vào làm tại cơ sở massage “Vì hạnh phúc người mù” và lập gia đình tại TP Quy Nhơn.
Có gia đình, gánh nặng mưu sinh càng nặng nề hơn khi có con. Khó khăn càng thôi thúc chị mạnh dạn tìm hướng đi cho riêng mình. Với tay nghề đã được học, chị Mỹ bàn với chồng vay mượn gia đình, người thân mở DN tư nhân “Vì hạnh phúc người mù” chuyên xoa bóp - bấm huyệt - giác hơi (tại phường Lê Lợi), để có nguồn thu nhập và tạo công ăn việc làm cho những người có hoàn cảnh không may như mình.
Chị Nguyễn Thị Mỹ (đầu tiên, bên trái) hướng dẫn học viên cách đan chổi dừa. Ảnh: CHƯƠNG HIẾU
Những ngày đầu mở cơ sở, chị Mỹ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được gia đình và Hội Người mù giúp đỡ, chị vững tâm hơn rất nhiều. Mới khai trương, cơ sở không có khách vì chưa được mọi người biết đến, dần dần, với sự tận tụy và tay nghề khá, chị có được nhiều khách quen, gắn bó với cơ sở. Hơn 10 năm qua, cơ sở hoạt động ổn định với 15 nhân viên, đều là những người bị khiếm thị. Hằng tháng, ngoài việc trả lương cho nhân viên trung bình 3 triệu đồng/người/ tháng, gia đình chị Mỹ có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ sở của chị tạm dừng hoạt động. Chị đã chủ động liên hệ, đặt mua đót, cọng dừa và hướng dẫn nhân viên làm chổi nhằm tạo công ăn việc làm cho họ lúc dịch bệnh kéo dài.
Chị Mỹ chia sẻ: “Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người bất hạnh, tôi đang cố gắng tạo dựng và mở rộng cơ sở nhằm tạo thêm nhiều việc làm, giúp nhau vươn lên trong cuộc sống”.
CHƯƠNG HIẾU