Kỷ niệm 75 năm Bác Hồ ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”:
Lời hiệu triệu thiêng liêng vẫn còn nguyên giá trị
Cách đây 75 năm, ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ðó là bài hịch đã cổ vũ tinh thần yêu nước của cả dân tộc, nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”. Lời kêu gọi của Bác nay đã trở thành “bảo vật quốc gia”.
1. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp được sự tiếp tay của các nước đế quốc đồng minh quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 6.3.1946 và Tạm ước ngày 14.9.1946, tăng cường các hoạt động quân sự, ra sức phá hoại nền độc lập, tự do của nhân dân ta mới giành lại được. Trước thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đêm 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người viết: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19.12.1946. Ảnh Tư liệu
Đáp lại Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã vùng lên bằng những loạt đại bác đầu tiên, từ Pháo đài Láng bắn vào các mục tiêu của địch; chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Sáng hôm sau, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), Đài Tiếng nói Việt Nam lại phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ đô Hà Nội ngày ấy “Mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi đường phố là một chiến tuyến, mỗi người dân là một chiến sĩ”. Quân và dân Thủ đô Hà Nội đã anh dũng, không sợ hy sinh, gian khổ ngày đêm lập những chiến lũy trên đường phố Hà Nội để ngăn cản bước tiến quân thù. Cùng với Hà Nội, quân và dân các địa phương khắp mọi miền cả nước cũng đồng loạt đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Cả dân tộc muôn người như một, chung sức đồng lòng, nhất tề đứng lên cầm vũ khí chống giặc ngoại xâm với ý chí sục sôi, quyết hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước với niềm tin tất thắng!
Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12.1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
2. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác như một bài hịch cứu nước, như tiếng gọi của non sông, là một tác phẩm mang tầm vóc chiến lược đã hoạch đường chỉ lối cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện ở nước ta sau này. Lời kêu gọi của Bác đã làm lay động hàng triệu triệu người Việt Nam, cùng đoàn kết đứng lên, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Người nói: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”. Lời kêu gọi còn thể hiện rõ tư tưởng của Bác về “chiến tranh toàn dân” một cách giản dị và hào hùng. Tạo ra nét độc đáo, đặc sắc nhất trong đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng quân sự Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở hai chữ “Toàn dân”. Bác còn kêu gọi bộ đội, tự vệ, dân quân: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Do vậy, Lời kêu gọi của Bác được coi như một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự về khởi nghĩa toàn dân, kháng chiến toàn diện. Người khẳng định niềm tin tất thắng: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta. Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối kháng chiến của dân tộc ta xác định từ đầu là chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc. Sau chín năm chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân và dân ta đã trường kỳ kháng chiến chống Pháp và kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; 21 năm sau tiếp tục kháng chiến gian khổ, quân và dân ta đã làm nên toàn thắng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử, đem lại hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất toàn vẹn đất nước. Sau ngày giải phóng, thực hiện tâm nguyện của Bác, dân tộc Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giữ vững nền hòa bình, độc lập của dân tộc; nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
3. 75 năm trôi qua, nhưng khí thế hào hùng của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Thời gian đã lùi xa, nhưng Lời kêu gọi thiêng liêng ngày đó vẫn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người Việt Nam hôm nay, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị, luôn cổ vũ, hiệu triệu nhân dân ta kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết giữ nước, giữ gìn độc lập, thống nhất cho Tổ quốc. Lời kêu gọi ngày đó còn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; nó là bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là bài học đoàn kết, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19 hôm nay.
NGUYỄN HUỲNH HUYỆN