Phù điêu Makara phát hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định: Đa dạng, độc đáo và thú vị
Trong truyền thuyết Ấn Ðộ giáo, Makara là thủy quái, vật cưỡi của thần cai quản đại dương Varuna, đồng thời cũng là vật cưỡi của nữ thần sông Hằng Ganga. Trong điêu khắc Champa Makara được thể hiện ở nhiều hình dạng quái dị khác nhau, nhưng đều có điểm chung là tính đáng sợ. Từ sự biến động trong đường nét điêu khắc, tạo dáng ta còn nhận ra hiện tượng dịch chuyển sức ảnh hưởng của văn hóa; đường nét điêu khắc Chăm - phong cách Bình Ðịnh biểu đạt qua nét đa dạng của Makara.
Phù điêu Makara phát hiện tại tháp Dương Long năm 2006.
Hình tượng Makara được phát hiện nhiều nhất, với nhiều kích thước khác nhau trong trang trí kiến trúc tháp Dương Long, huyện Tây Sơn. Ở tiêu bản lớn, Makara được chạm khắc theo tư thế chúc đầu xuống; từ nhiều tảng đá lớn sau đó lắp lên tháp thành một con Makara hoàn chỉnh. Với tiêu bản lớn này hình tượng Makara thường được trang trí ở phần mi cửa chính và cửa tháp giả trên các tầng tháp; thường được chạm khắc hoa văn khá cầu kỳ, tỉ mỉ, sắc sảo.
Ở tiêu bản nhỏ, hình tượng Makara cũng được tạc trong tư thế chúc đầu xuống nhưng toàn bộ được tạc ngay trên một tảng đá nguyên khối, đường nét cũng đơn giản và không đi vào chi tiết như tiêu bản lớn. Tuy nhiên ở cả hai tiêu bản, con Makara đều chạm khắc một mặt, miệng há rộng khá dữ tợn, hoành tráng và đẹp.
Điêu khắc đá trang trí điểm góc hình đầu Makara phát hiện tại Tháp Mẫm năm 2011.
Tại phế tích Tháp Mẫm, qua khai quật các nhà khoa học đã phát hiện được một số điêu khắc đá trang trí góc hình đầu Makara bằng đá sa thạch. Chúng cũng mang những nét trang trí khá cầu kỳ như tại tháp Dương Long nhưng lộ vẻ dữ tợn rõ ràng hơn - mắt mở to, lồi, nhiều lớp mí và đuôi chân mày vuốt cong nhọn; răng nanh dài cong nhọn ở cuối mép miệng thì cả hàm trên và hàm dưới đều có hàng răng gồm nhiều chiếc xếp liên tiếp; đầu hàm trên còn nhô ra một cái sừng cong nhọn như ngà voi và một cái vòi như vòi của một con voi. Theo G. Maspero, đây chính là nét sáng tạo của nghệ nhân Champa khi đưa vào đây một phần con vật gần gũi với văn hóa Chăm - cá sấu và voi.
Cùng với đá sa thạch chất liệu đất nung cũng được sử dụng khá phổ biến ở phế tích tháp Lai Nghi và gần đây là phế tích tháp Xuân Mỹ. Makara đất nung ở phế tích tháp Xuân Mỹ có nhiều nét tương đồng với các tiêu bản Makara bằng đá sa thạch tại tháp Dương Long, tháp Mẫm. Tuy nhiên, đi vào chi tiết sẽ phát hiện một số nét khác biệt rất độc đáo. Makara Xuân Mỹ chạm trổ một mặt, tạo dáng đầu nghiêng một bên, không có phần thân. Đầu Makara đang trong tư thế miệng há rộng, để lộ hai hàm răng lởm chởm, sắc nhọn; sát bên trong khóe miệng chìa ra một chiếc răng nanh lớn cong nhọn, trông rất dữ tợn. Tai lớn, vểnh lên; mắt to, lồi tròn; lông mi xếp nhiều lớp; đuôi lông mày xếch ngược và uốn nhọn. Phần đầu cùng của hàm trên uốn cong như cái vòi của một con voi, còn hàm dưới dài nhọn chìa thẳng ra phía trước và lởm chởm đầy răng nhọn. Miệng Makara nhả ra dải băng hoa tượng trưng cho nước mưa thần thánh tưới cho cuộc sống sinh sôi (vốn là thứ nước bất tử mà con vật láu cá này đã đánh cắp, cố nuốt trôi hết cho bản thân nó mà không được, buộc phải nhả bớt ra theo lệnh của thần Varuna trong truyền thuyết Ấn Độ giáo).
Phù điêu Makara phát hiện tại phế tích tháp Lai Nghi năm 2013.
Nếu các tiêu bản Makara ở trên được tạo hình một mặt thì Makara cũng phát hiện tại Bình Định nhưng đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà lại có dạng tượng tròn, đó là cặp thủy quái Makara (ký hiệu 42.48 và 42.49) tại phòng Tháp Mẫm với những nét đặc tả dữ dội, nằm trong tư thế chầu hầu, đầu ngẩng cao, tai dựng đứng, cặp mắt lồi tròn to, miệng há ra với hai hàm răng nhọn, hai chân trước giơ cao như muốn vồ muốn chộp kẻ thù, thân thể đẫy đà với sống lưng gai góc nổi dọc phía trên. Cổ của chúng được đeo vòng chuông lục lạc to trông thật bề thế, chắc chắn chúng được sử dụng ở vị trí canh giữ tháp thờ.
Cũng là Makara nhưng được tạo dáng ở hình tượng rồng (ký hiệu 42.50, niên đại thế kỷ XIII), hiện vật này cũng đang được trưng bày tại phòng Tháp Mẫm. Hiện vật có kích thước khá lớn được khắc chạm trong tư thế ngộ nghĩnh ít gặp ở nghệ thuật điêu khắc ở các nước chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, hơn nữa con vật còn kết hợp từ nhiều chi tiết của một số loài vật, điển hình là hình tượng con rắn ở cái đuôi có chót nhọn. Dường như các nghệ nhân Champa đang muốn tạo tác ra một con Makara của riêng mình, thoát ra khỏi ảnh hưởng của truyền thuyết Ấn Độ giáo với biến thể gần hơn với văn hóa Champa.
Nhìn chung các phù điêu, tượng tròn Makara phát hiện được tại các di tích, phế tích Champa Bình Định đều thể hiện khá sinh động với nhiều đường nét khác nhau. Chúng bộc lộ sức sáng tạo độc lập của nghệ nhân Champa, càng lúc càng thêm sinh động, gần gũi hơn với văn hóa Chăm.
NGUYỄN VIẾT TUẤN