Quy hoạch đất cho cụm công nghiệp: Cần tầm nhìn xa, phù hợp thực tế
Thời gian qua, các cấp chính quyền đã quan tâm bố trí quỹ đất cụm công nghiệp để thu hút DN đầu tư. Qua đó, các địa phương đã hạn chế được hiện tượng cơ sở sản xuất đan xen trong khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Song, thực tế đang đòi hỏi việc quy hoạch sử dụng đất cụm công nghiệp cần có tầm nhìn xa để theo kịp xu hướng phát triển.
Hiện nay, toàn tỉnh có 44 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất hơn 939 ha. Tại đây có 373 dự án sản xuất, chế biến hàng công nghiệp được bố trí với diện tích 584,5 ha (trung bình 1,6 ha/dự án) và đạt tỷ lệ lấp đầy 62,2%.
Cụm công nghiệp Cầu nước xanh ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn mới chỉ thu hút được 1 DN đầu tư. Ảnh: H.Y
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhu cầu đất thực hiện các dự án của DN nhỏ và vừa trong các CCN, khu chế biến tập trung đang tăng nhanh. Kết quả khảo sát hiện trạng sử dụng đất của các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung cho thấy, toàn tỉnh có 8 khu chế biến tập trung đảm bảo tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Mỹ với tổng diện tích đất 99 ha. Trong đó các địa phương đã bố trí 71,2 ha đất cho 66 DN, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Đặc biệt nhu cầu đất cho ngành này tăng khá, từ 2,11 ha/dự án cho cả giai đoạn 2004 - 2015 lên 2,4 ha/dự án ở giai đoạn 2015 - 2020.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn, cho biết: “TX Hoài Nhơn đã quy hoạch 23,1 ha đất cho hoạt động chế biến nông, lâm, thủy sản, gồm: Khu chế biến thủy sản tập trung Tam Quan Bắc; Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá Tam Quan (giai đoạn 1); Khu chế biến xơ dừa thôn Hội An Tây, xã Hoài Châu. Các khu chế biến này thu hút 19 dự án với tổng diện tích 6,8 ha. TX Hoài Nhơn quy hoạch để bố trí quỹ đất phù hợp, tập trung hợp lý đáp ứng nhu cầu đầu tư các dự án chế biến hàng nông, lâm, thủy, hải sản giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó, các nhà đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN cũng như DN nhỏ và vừa lựa chọn địa điểm, quy mô dự án tốt hơn”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, mục tiêu của tỉnh là trong giai đoạn tới tiếp tục tập trung cho phát triển công nghiệp, nhiều địa phương đều đề xuất quy hoạch thêm CCN. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh của CCN là không dễ dàng, có những dự án sau nhiều năm vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhiều huyện, thị xã không tính toán kỹ năng lực của mình, quy hoạch quá nhiều đất đai cho lĩnh vực công nghiệp… điều này dẫn đến rất khó đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Đơn cử như huyện Tây Sơn có 12 CCN với tổng diện tích quy hoạch 373,5 ha - cao nhất tỉnh, nhưng phần diện tích đã cho thuê chỉ có 108,32 ha. Trong 12 CCN thì CCN Phú An thu hút được nhiều nhất cũng chỉ có 24 DN; các CCN còn lại chỉ lèo tèo từ 2 - 8 DN. Riêng CCN Cầu Nước Xanh chỉ có vỏn vẹn 1 DN và CCN Bình Tân thì chưa thu hút được DN nào vào đầu tư sản xuất.
Theo giải thích của lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn, việc thu hút các nhà đầu tư vào CCN chưa được tốt có nguyên nhân chính là huyện chưa tìm được vốn để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo quỹ đất sạch giao cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, lấp đầy các CCN, lãnh đạo huyện sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc tiến hành thu hồi dự án chậm triển khai để kêu gọi nhà đầu tư mới.
Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh có 61 CCN với diện tích 1.885,9 ha. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh: “Quy hoạch sử dụng đất cho CCN của tỉnh cần phải có tầm nhìn xa, dự báo sát với thực tế phát triển của từng địa phương để phân bổ kế hoạch phù hợp. Các dự án đã được quy hoạch, khi hoàn thành đưa vào khai thác đúng theo kế hoạch sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Cụ thể, trong quy hoạch sử dụng đất CCN cần chú trọng bố trí quỹ đất nhiều hơn nữa cho hạ tầng kỹ thuật để kết nối các tuyến đường giao thông, dự án thương mại dịch vụ”.
Thực tế, nhiều dự án chưa thể triển khai phải hủy quy hoạch sử dụng đất hoặc chuyển qua giai đoạn 2025 - 2030, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển KT-XH của địa phương và đời sống của người dân. Các dự án quy hoạch không thực hiện được sẽ trở thành dự án “treo”, quy hoạch “treo”. Do đó, quy hoạch sử dụng đất CCN giai đoạn tới, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn phối hợp với từng địa phương làm tốt công tác quy hoạch để hạn chế những vướng mắc khó triển khai như giai đoạn trước.
HẢI YẾN