TS Michael Lay-Yee:
Kỳ vọng rau an toàn Bình Ðịnh - nhãn hiệu Lá Lành ngày càng phát triển
Dự án Rau an toàn Bình Ðịnh - thuộc chương trình viện trợ của Chính phủ New Zealand đã đi đến chặng cuối với nhiều kết quả tích cực, giúp nông dân chuyển đổi thành công phương thức sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và thân thiện hơn với môi trường. Phóng viên Báo Bình Ðịnh có cuộc trao đổi với TS Michael Lay-Yee, Giám đốc chương trình viện trợ của Chính phủ New Zealand tại Việt Nam về dự án này.
Dự án Rau an toàn Bình Định (RATBĐ) triển khai thực hiện từ năm 2016 trong khuôn khổ chương trình viện trợ 5 năm của Chính phủ New Zealand, ủy quyền cho Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand và UBND tỉnh Bình Định ký kết văn kiện. Dự án được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand với Sở NN&PTNT Bình Định. Qua 5 năm thực hiện (2016 - 2021), dự án đã thực hiện được mục tiêu “cải thiện sự an toàn, bền vững về kinh tế và môi trường của nông dân trồng rau”, và sự an toàn của người tiêu dùng ở tỉnh Bình Định.
● Thưa ông, dự án RATBD đang đi đến chặng cuối, ông đánh giá như thế nào về 5 năm triển khai dự án tại Bình Định?
TS MICHAEL LAY-YEE
- Về tổng quan, quá trình triển khai của dự án RATBĐ trong 5 năm vừa qua diễn ra tốt đẹp. Quá trình thực hiện, đơn vị quản lý dự án xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện một cách bài bản, đem lại kết quả tốt, thậm chí hơn cả mong đợi.
Dự án RATBĐ được phát triển và ứng dụng từ những phương thức thực hành trong sản xuất rau, quả tiên tiến nhất, cho đến quá trình thu hoạch và các quy định trong vệ sinh an toàn thực phẩm. Các quy trình được hợp nhất giữa tiêu chuẩn VietGAP, chương trình quản lý chất lượng, chương trình tiếp thị và bán hàng (tận dụng ưu thế từ nhãn hiệu Lá Lành, được hình thành thông qua dự án) đều nhằm mục đích hỗ trợ cho ngành sản xuất rau củ an toàn và sinh thái bền vững tại Bình Định.
Kết quả, từ dự án đã có hơn 2.000 nông dân thuộc 40 nhóm cùng sở thích tại 8 huyện, thị xã trong tỉnh đang tham gia sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm RATBĐ hợp chuẩn VietGAP - nhãn hiệu Lá Lành được trưng bày tại các điểm bán bao gồm hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC, nhiều cửa hàng tiện lợi tại TP Quy Nhơn, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi; các điểm bán lẻ, khách sạn, nhà hàng, trường học, một số sạp rau củ chọn lọc ở chợ và các kênh bán hàng trực tuyến. Cũng từ dự án, nông dân Bình Định từng bước mở rộng mạng lưới phân phối sản phẩm, nâng cao thu nhập, cung cấp thêm lựa chọn nông sản tốt và điều kiện mua sắm thuận tiện cho người tiêu dùng.
● Quá trình làm việc, tiếp cận, trao đổi với nông dân Bình Định, ông đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng, tiếp thu và thay đổi trong sản xuất nông nghiệp của họ?
- Tôi nhận thấy, nông dân Bình Định rất quan tâm và cởi mở đón nhận những phương thức thực hành nông nghiệp mới được giới thiệu từ phía dự án. Điểm mấu chốt là họ đã thay đổi nhận thức trong tiếp nhận chuyển đổi phương thức sản xuất để tăng thêm độ an toàn cho họ, gia đình họ và cho môi trường xung quanh, cung cấp rau, củ, quả chất lượng cao, an toàn cho cộng đồng. Các hộ nông dân, bên vận hành nhà sơ chế tương tác và phối hợp ăn ý trong quá trình huấn luyện, nhanh chóng nắm bắt cũng như thực hành áp dụng những kỹ thuật, hoàn thiện kỹ năng, đặc biệt là những kỹ thuật mới.
Sau 5 năm triển khai, dự án từng bước hỗ trợ nông dân Bình Định chuyển đổi canh tác, cải thiện sinh kế.
- Trong ảnh: Thu hoạch rau an toàn hợp chuẩn VietGAP. Ảnh: Văn phòng Dự án RATBĐ
● Ông kỳ vọng như thế nào khi dự án RATBĐ kết thúc?
- Theo kế hoạch, dự án kết thúc vào ngày 31.12.2021. Đó là sự kết thúc về mốc thời gian triển khai chứ không phải là kết thúc một chuỗi sản xuất an toàn đã hình thành trong thời gian qua. Chính vì thế, tôi kỳ vọng khi dự án kết thúc, việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm rau an toàn tại Bình Định, với sự hỗ trợ từ Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định và thông qua hình ảnh nhận diện của nhãn hiệu Lá Lành sẽ vẫn tiếp tục và được mở rộng, cải thiện đời sống và độ an toàn cho các hộ nông dân, các đơn vị vận hành sau thu hoạch cũng như người tiêu dùng.
Nông dân Vĩnh Thạnh tham gia lớp học FFS trên đồng ruộng - chương trình đào tạo và chuyển giao kỹ thuật hỗ trợ nông dân của Dự án RATBĐ. Ảnh: Văn phòng Dự án RATBĐ
Khi năng suất được tăng cao, và với độ nhận diện nhãn hiệu của Lá Lành, các sản phẩm sẽ có mặt rộng rãi hơn nữa trong khu vực Bình Định và cả Việt Nam, thậm chí tiềm năng xuất khẩu trong tương lai.
TS Michael Lay-Yee là thành viên của phái đoàn thiết kế ban đầu cho dự án RATBĐ, ông là người kết nối Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand với Sở NN&PTNT Bình Định. Sau khi xây dựng thành công nội dung hoạt động chương trình viện trợ, được Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand (MFAT) phê duyệt tài trợ, TS Michael Lay-Yee được bổ nhiệm làm Giám đốc chương trình, dẫn dắt dự án RATBĐ trong 5 năm (2016 - 2021).
TS Michael Lay - Yee có hơn 30 năm kinh nghiệm trong làm việc với ngành nông nghiệp và chuỗi cung ứng từ lai tạo giống mới, sản xuất và sau thu hoạch đến tiếp cận thị trường. Ông đã làm việc tại nhiều quốc gia như: Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, châu Mỹ Latinh, châu Phi… Năm 2012, ông được Bộ NN&PTNT Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì những đóng góp cho nền nông nghiệp Việt Nam.
● Xin cảm ơn ông!
THU DỊU (Thực hiện)