Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi trời chuyển lạnh
Thời tiết lạnh khiến nguy cơ mắc bệnh trở nên phổ biến ở người cao tuổi, những bệnh thường gặp nhất là tim mạch, bệnh đường hô hấp, bệnh xương khớp, đột quỵ não. Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Trưởng khoa Nội trung cao, BVĐK tỉnh có một số lời khuyên hữu ích.
Bệnh tim mạch: Thường gặp ở người cao tuổi là tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh van tim... Dấu hiệu là khó thở, cảm giác khó thở sau khi tập thể dục, làm việc nặng, suy nghĩ căng thẳng, có những lúc không làm gì cũng khó thở, hồi họp, đánh trống ngực. Để chủ động phòng bệnh, cần theo dõi huyết áp định kỳ; mặc đủ ấm khi thời tiết lạnh; luyện tập thể dục đều đặn, vừa sức như đi bộ 30 phút mỗi ngày; chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn mặn, tăng cường rau xanh và chất xơ, hạn chế thức ăn có đường, bột, mỡ động vật, bia, rượu, không hút thuốc lá; luôn mang theo thuốc trợ tim bên mình; khi có những dấu hiệu bất thường cần báo cho người thân và nhập viện càng sớm càng tốt.
Bệnh về đường hô hấp: Khi thời tiết chuyển mùa, do sức đề kháng kém, người cao tuổi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như: Viêm phế quản, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản… Những lúc như vậy người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột chuyển sang lạnh nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Nên tập thể dục, vận động thân thể ở trong nhà; súc miệng bằng nước muối sinh lý. Không nên sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá…
Bệnh xương khớp: Vào mùa lạnh người già hay bị cứng khớp, thoái hóa khớp, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là tại vị trí các khớp. Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người cao tuổi duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, không tăng áp lực lên các khớp, vì thế hạn chế những cơn đau. Nên bổ sung nhiều thực phẩm có hàm lượng axit béo omega-3, các loại rau xanh, trái cây nhiều vitamin C. Nên duy trì chế độ vận động nhẹ nhàng các khớp gối, cổ chân, bàn tay, ngón tay theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Đột quỵ não: Thời điểm dễ xảy ra đột quỵ não là chiều tối và đêm. Người bệnh đột nhiên choáng váng, giảm ý thức, bại yếu một bên cơ thể. Trường hợp nặng, người bệnh quỵ ngã đột ngột và bất tỉnh. Những trường hợp này cần đưa ngay đến bệnh viện, càng sớm càng tốt. Để phòng bệnh, nên tập thể dục nhẹ nhàng và thường xuyên, ăn uống cân đối, đa dạng, hạn chế bia, rượu, không hút thuốc lá, có một cuộc sống tinh thần thoải mái được coi là những biện pháp phòng ngừa tốt nhất.
Người cao tuổi cần đi khám bệnh định kỳ để nhận được những lời khuyên hữu ích từ bác sĩ và điều trị sớm nếu có bệnh. Tập các bài thể dục dành cho người lớn tuổi như dưỡng sinh, thái cực quyền, thiền định mỗi ngày để duy trì sự linh hoạt hay thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn giàu dinh dưỡng và được kiểm soát vừa phải để hạn chế việc thừa cân. Con, cháu trong gia đình gần gũi, động viên, chăm sóc ông bà, bố mẹ hằng ngày và những lúc đau ốm làm cho người cao tuổi ít bệnh tật và cảm thấy sống vui tươi.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)