Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển
(BĐ) - Ngày 21.12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 theo hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính ở Hà Nội tới các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu chính có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, trong năm 2021, toàn ngành Tư pháp đã nỗ lực, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức công việc, bám sát tình hình phát triển KT-XH của đất nước, của từng địa phương, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Ngành Tư pháp đã tập trung tham mưu thể chế hóa những định hướng chính sách lớn, then chốt trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia tích cực, hiệu quả trong việc chuẩn bị định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Các cơ quan tư pháp, pháp chế có nhiều đóng góp vào hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp. Bộ Tư pháp đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tham mưu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật để trình Quốc hội xem xét. Các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 784 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có 5.510 văn bản đã được ban hành.
Chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được nâng cao; đã thẩm định 43 đề nghị xây dựng, 232 dự thảo văn bản luật và các nghị định, thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được triển khai ở 63 tỉnh, …Những kết quả nêu trên đã tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Tại Hội nghị, các đại biểu ngành tư pháp, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã có tham luận, ý kiến thảo luận đóng góp nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm đảm bảo công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong năm 2021, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về lĩnh vực tư pháp, nhất là trong phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ về mặt thể chế để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại, văn hóa...; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam về chất lượng các quy định pháp luật.
Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập như: Chất lượng xây dựng văn bản pháp luật còn hạn chế; tiến độ xây dựng pháp luật có lúc chưa đạt yêu cầu; đầu tư cho nguồn lực chưa tương xứng với yêu cầu đột phá. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác hoàn thiện thể chế; nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng, thực thi pháp luật ở một số nơi còn chưa xứng tầm…
Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành Tư pháp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bởi đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định từ Đại hội lần thứ XI. Trong quá trình thực hiện cần thấm nhuần phương châm lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Bên cạnh đường lối, chủ trương của Đảng, cần bám sát thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. “Vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội; trước mắt là tháo gỡ những nút thắt về thể chế”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Tư pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền các cấp, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, DN, đi đôi với đổi mới sáng tạo để hoàn thiện, xây dựng, phổ biến, thực thi, giám sát pháp luật. Đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, bởi “đầu tư cho thể chế chính là đầu tư cho phát triển”. Cần đầu tư cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, tài chính; chế độ, chính sách cho người làm pháp luật ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và cân đối với các ngành, nghề khác.
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
KHẢI THƯ