Xuống giống vụ rau tết 2022
Hiện, các HTX, nhóm cùng sở thích, nhà vườn trong tỉnh đang tất bật chuẩn bị cho vụ rau tết 2022. Năm nay, nhiều đơn vị thử nghiệm thêm một số giống rau, quả mới để đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), vụ rau tết năm nay bà con nông dân xuống giống trên 5.578 ha, tập trung tại: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn; lịch thời vụ kéo dài từ tháng 11.2021 đến tháng 2.2022. Theo hướng dẫn của Chi cục, bà con chọn các loại rau, dưa phù hợp với điều kiện của từng vùng sản xuất; thực hiện rải vụ để giãn thời điểm thu hoạch, vừa tránh “no dồn đói góp” vừa đảm bảo cung cấp sản phẩm ổn định cho thị trường, nhất là dịp tết Nguyên đán. Cùng với đó, Chi cục còn hướng dẫn từng địa phương công bố lịch thời vụ, cơ cấu giống cây trồng đúng quy định, trong đó chú trọng khuyến khích nông dân ưu tiên gieo trồng giống rau, củ, quả có thời gian bảo quản dài.
Súp lơ vàng chịu nhiệt của gia đình ông Ngô Xuân Quang (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) vụ rau tết Nhâm Dần 2022. Ảnh: THÁI VINH
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, dự án Rau an toàn Bình Định, vụ rau tết năm nay, nông dân trong tỉnh tích cực chuyển đổi sang sản xuất rau an toàn hợp chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ; ứng dụng các kỹ thuật mới trong chăm sóc rau và đa dạng sản phẩm rau an toàn trong tỉnh. Sau khi thử nghiệm thành công mô hình giống rau súp lơ vàng, vụ rau tết năm nay, nhóm cùng sở thích HTX Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh chính thức đưa súp lơ vàng vào nhóm rau tết.
Ông Ngô Xuân Quang, một hộ dân nhóm cùng sở thích HTX Định Bình, cho hay: Vụ Tết năm nay, gia đình tôi trồng 3 sào rau các loại, nhờ tham gia mô hình phát triển giống rau mới của dự án Rau an toàn Bình Định, tôi đã nắm được kỹ thuật gieo trồng và chăm sóc súp lơ vàng, cải thảo và đưa luôn vào vụ rau tết sắp tới.
Nông dân vùng rau Thuận Nghĩa (Tây Sơn) xuống giống, chuẩn bị cho vụ rau tết. Ảnh: THU DỊU
Là vùng chuyên canh rau lâu đời ở Tây Sơn, vụ Tết năm nay người dân ở vùng rau Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong trồng gần 100 ha rau các loại, trong đó có 60 ha rau hợp chuẩn VietGAP - nhãn hiệu Lá Lành. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, cho hay thời điểm này, thành viên HTX tất bật chuẩn bị cho vụ rau tết. Các nhóm cùng sở thích phân chia diện tích sản xuất phù hợp với từng giống rau, luân phiên để đủ số lượng rau, đa dạng rau phục vụ thị trường Tết.
Ở Tuy Phước, các vùng trồng rau lâu đời như Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Hưng cũng đã sẵn sàng cho vụ rau tết. Theo ông Phạm Long Thăng, Giám đốc HTXNN Phước Hiệp, HTX xuống giống 13,5 ha rau an toàn hợp chuẩn VietGAP để bán tết. Các thành viên của nhóm cùng sở thích HTXNN Phước Hiệp luân phiên xuống giống theo từng diện tích, các giống rau chủ yếu như đậu bắp, khổ qua, dưa leo, đậu cô ve; đồng thời mở rộng thêm diện tích các loại quả phục vụ Tết như dưa lê, dưa hấu…
Cùng với đó, các HTX, nhà vườn, các DN chuyên sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh từng bước định hình, chuyển đổi từ sản xuất rau truyền thống sang trồng rau an toàn hợp chuẩn VietGAP, chuẩn hữu cơ… Ông Trần Bảo Diệp, Giám đốc HTXNN Công nghệ cao La’sfarm Ân Phong, huyện Hoài Ân, cho biết: Vụ Tết này, HTX sản xuất 1,3 ha rau các loại gồm súp lơ, cải thảo, cà chua, đậu cô ve, dưa leo và một số rau ăn lá. Từ đây cho tới đầu tháng 1.2022, HTX xuống giống lần lượt các loại, vừa đảm bảo thời vụ vừa đa dạng sản phẩm.
“Vụ rau tết Nhâm Dần 2022, các HTX, nhóm cùng sở thích thuộc dự án Rau an toàn Bình Định xuống giống khoảng 80 ha. Từ các mô hình chuyển giao về kỹ thuật và ứng dụng công nghệ (mô hình tưới tiết kiệm, tiên tiến; mô hình sản xuất giống rau mới; kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học trừ ruồi đục quả trên rau ăn trái; kỹ thuật phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), hơn 1.000 hộ dân thuộc dự án áp dụng triển khai sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ngoài các giống rau quen thuộc như cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, dưa leo, bầu, bí, khổ qua, đậu bắp, đu đủ…, vụ rau tết này, các nhóm đưa vào các giống rau mới như súp lơ vàng, cải bó xôi. Cùng với sản xuất, dự án đẩy mạnh quảng bá để tăng nhận diện, tiếp cận thông tin, đưa rau an toàn - nhãn hiệu Lá Lành của nông dân Bình Định tới gần hơn với người tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh”.
Ông Phạm Tấn Phát, Điều phối viên dự án Rau an toàn Bình Định
THU DỊU