Tạo hứng thú học Tiếng Anh
Những giờ học Tiếng Anh của cô giáo Ðoàn Thị Hương Hiền, Trường THPT số 1 An Nhơn (TX An Nhơn) trở nên sống động hơn, thú vị hơn khi không chỉ có sách giáo khoa, học sinh còn được thấy hình ảnh, phim ảnh, âm thanh chất lượng.
Đổi mới dạy học Tiếng Anh bằng công nghệ
Cô giáo sinh năm 1983 gần như đặt mục tiêu mỗi năm có một sáng kiến dạy học. Riêng từ năm 2015 đến nay, trong phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học, cô Hiền đã có 6 sáng kiến dạy học đạt giải cấp ngành, trong đó sáng kiến năm 2019, 2020, 2021 được xét công nhận có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh. Đặc biệt, nhiều sáng kiến khai thác ưu thế của công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ việc dạy và học Tiếng Anh.
Năm 2019, ứng dụng công nghệ tương tác thực tế ảo (AR) được cô Hiền áp dụng vào dạy học Tiếng Anh tại Trường THPT số 1 An Nhơn. Cô Hiền cho biết, AR với sự hỗ trợ của hình ảnh đồ họa, âm thanh… “biến ảo thành thực” kích thích sự tò mò, sáng tạo, tăng niềm yêu thích học Tiếng Anh ở học sinh. Chỉ với điện thoại thông minh, máy tính bảng, công nghệ AR ngay lập tức phát huy thế mạnh giúp học sinh dễ dàng tiếp thu, xử lý và ghi nhớ thông tin. Việc tự học cũng trở nên hấp dẫn, thú vị. Hơn nữa, AR cung cấp các cơ hội để cải thiện kỹ năng học nhóm, làm việc nhóm.
Trong khi đó, xu hướng “trò chơi hóa” cũng tạo động lực thúc đẩy và thu hút học sinh trong học tập. Năm 2020, cô Hiền sử dụng ứng dụng hỗ trợ dạy học đa tiện ích Socrative làm công cụ học tập tích cực và đánh giá hiệu quả trong các lớp ngoại ngữ. Đây không chỉ là một ứng dụng di động được tạo ra để hỗ trợ giáo dục thông qua hệ thống câu hỏi trả lời mà còn là hệ thống phản hồi thông minh. Giáo viên có thể sử dụng Socrative cho các hoạt động phần khởi động, kiểm tra bài cũ, ôn tập kiến thức cơ bản, hoạt động luyện tập do mình hoặc học sinh tạo ra. Socrative cho phép giáo viên thiết lập câu trả lời ẩn danh, khuyến khích những học sinh nhút nhát trả lời mà không sợ… sai.
“Ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ đang và sẽ là xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại. Với sự hỗ trợ của công nghệ, giáo viên giúp học sinh tự tin, chủ động, mạnh dạn, có cơ hội thực hành nhiều hơn để rèn luyện 4 kỹ năng cơ bản nghe - nói - đọc - viết, tạo cho học sinh có phản ứng nhanh nhạy, tự tin, hứng thú học tập hơn”, cô Hiền chia sẻ.
Truyền niềm say mê dạy học Tiếng Anh
Cô Hiền tích cực tham gia các hội thảo về phương pháp giảng dạy mới trong và ngoài nước để nắm bắt những điều hay, mới mẻ, từ đó chọn lọc dạy học thích hợp điều kiện thực tế. Thông qua các buổi báo cáo do Sở GD&ĐT tổ chức, cô Hiền chia sẻ những cách dạy hay.
Học sinh Trường THPT số 1 An Nhơn ứng dụng công nghệ thực tế ảo để giới thiệu các địa điểm nổi tiếng của quốc gia hoặc quê hương, trong một tiết học Tiếng Anh của cô Hiền.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn, cho hay, cô Hiền là giáo viên cốt cán bộ môn Tiếng Anh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều sáng kiến dạy học đã được phổ biến và nhân rộng. Với các ứng dụng công nghệ, cô biến quá trình học tập không bó gọn trong bốn bức tường của lớp học, góp phần nâng cao tính tự chủ học tập, mở rộng khả năng tương tác của học sinh. Như thế, người thầy không giữ vai trò trung tâm, mà chuyển sang là nhà điều phối trong dạy học, hướng tập trung vào học sinh.
Những nỗ lực đã được công nhận với các danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, điển hình tiên tiến ngành GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020, nhiều sáng kiến dạy học được phổ biến và nhân rộng trong trường THPT…, nhưng cô Hiền cho hay phần thưởng lớn nhất là niềm đam mê và học tốt môn Tiếng Anh của học sinh.
Em Nguyễn Công Tâm, học sinh lớp 12A3, Trường THPT số 1 An Nhơn, bày tỏ: Những bài học ứng dụng công nghệ của cô Hiền giúp em và các bạn tiếp thu kiến thức một cách chủ động hơn, từ việc sử dụng bài giảng điện tử cho đến thiết bị tương tác trực tiếp như bảng cảm ứng, phòng học mới… ; các ứng dụng học tập, luyện phản xạ nhanh qua câu hỏi trắc nghiệm như Blooket, Kahoot… Cô còn tổ chức hoạt động trực tiếp để học sinh tư duy sáng tạo về các chủ đề bài học, từ đó tiếp thu kiến thức một cách khoa học và chủ động hơn. Ngoài ra, để tránh nhàm chán trong việc truyền đạt thông tin một phía từ giáo viên, trong một số tiết học, cô giao nhiệm vụ đó cho học sinh tự thực hiện, từ đó rèn luyện kỹ năng mềm như tạo trang trình chiếu, thuyết trình, phát triển tư duy phản biện… “Những cách học này rất khác so với trước đây, tạo hứng thú hơn trong môn học Tiếng Anh”, Tâm nói.
MAI HOÀNG