Xây nhiều nhà hát để làm gì?
Bộ VHTT&DL vừa đưa ra đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ có khoảng 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới hoặc cải tạo, đại tu với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng.
Đề án lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng đây thực sự là một đề án đầy tham vọng nhưng có phần thiếu thực tế. Sáu năm cho tổng cộng 71 nhà hát là điều không tưởng, cả việc thực thi, quản lý lẫn nguồn vốn. NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thẳng thắng đưa quan điểm: Xây mới 51 nhà hát đến năm 2020, vậy giải pháp vốn sẽ như thế nào? Nếu không có giải pháp vốn thì sẽ không có gì cả và quy hoạch sẽ chỉ nằm trên giấy thôi!
Và điều quan trọng hơn là xây dựng đồng loạt nhiều nhà hát như vậy để làm gì? Trong khi thực tế hiện nay, nhiều nhà hát đang có thi thoảng mới “sáng đèn” vì không có khán giả. Không ít rạp được xây mới hoặc sửa chữa xong rồi để không; chủ yếu cho thuê đám cưới hay làm điểm vui chơi giải trí kiếm thêm thu nhập. Không nói đâu xa, ở Quy Nhơn có 2-3 rạp biểu diễn nhưng chủ yếu là để tổ chức các hội nghị, gặp mặt. Các đoàn nghệ thuật về biểu diễn mỗi năm chưa tính đủ mười ngón tay. Sức sống “lay lắt” của chúng khiến những người có trách nhiệm cảm thấy chạnh lòng.
Thực ra mà nói các nhà hát là một trong những thiết kế văn hóa rất cần, nhưng phải theo nhu cầu, không phải xây rồi đóng cửa để đó. Cứ bảo làm cho dân hưởng thụ, nhưng có gì để hưởng thụ, nhà hát có hoạt động đâu mà hưởng thụ. Ai bảo xây được nhà hát thì đời sống nhân dân tốt lên? Từ cấp xã, thôn đến trung ương đã ai làm được tốt! Xem ra các nhà quy hoạch không quan tâm gì đến việc thăm dò, khảo sát; thích thì xây; xây để làm gì thì chỉ có những người trong cuộc mới biết. Chuyện thất thoát, tham ô, lãng phí cũng từ những đề án mà ra. Phải xem thực tế, đất nước còn thiếu cái gì thì hãy đầu tư. Đầu tư công dẫn đến nợ công, cuối cùng dân chịu chứ ai.
Còn nhớ mới cách đây hơn một tháng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều bộ, ngành đã có buổi làm việc với Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bạc Liêu liên quan các vấn đề đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội. Trước việc lãnh đạo tỉnh đề xuất ủng hộ nguồn vốn xây dựng các công trình văn hóa như Nhà hát Cao Văn Lầu, mở rộng Khu lưu niệm Đờn ca tài tử…, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: Phải ưu tiên giải quyết các vấn đề bức thiết, phải hết sức chú ý đời sống vật chất của nhân dân. Làm cái gì cũng chú ý cải thiện cuộc sống của dân, giúp họ sản xuất được và bán được, chứ xây chợ, xây nhà văn hóa rồi bỏ không thì không được.
Nên chăng, cần cân nhắc thận trọng hơn trong việc quy hoạch xây dựng nhà hát một cách chặt chẽ, tỉnh táo. Xin nhắc lại lời của Giáo sư – Nghệ sỹ nhân dân Trung Kiên , nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa trả lời trên báo Tuổi trẻ:“Nhà nước và xã hội quan tâm thì mừng quá rồi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất không phải là xây nhà hát, mà là con người. Không quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, rồi xây nhà hát lên lấy ai mà diễn? Diễn gì? Cho ai xem?”.
Ngọc Minh