Cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất
Theo cảnh báo của ngành chức năng, việc khai thác nước dưới đất không hợp lý sẽ gây suy thoái, cạn kiệt, nguy cơ nhiễm mặn tầng chứa nước. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc trao đổi với ông Võ Minh Đức - Trưởng Phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn (Sở TN&MT) về công tác quản lý việc khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
* Xin ông cho biết thực trạng khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Nước dưới đất tại Bình Định được khai thác chủ yếu phục vụ cấp nước sinh hoạt. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 công trình phục vụ cấp nước đô thị; 23 công trình cấp nước tập trung vùng nông thôn; toàn tỉnh có 200.234 giếng đào, giếng khoan lấy nước quy mô nhỏ. Tổng lượng nước dưới đất hiện đang khai thác khoảng 450 nghìn m 3/ngày.
Theo kết quả điều tra của Liên đoàn Địa chất thủy văn - Địa chất công trình miền Trung, trữ lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh có thể khai thác khoảng hơn 533 nghìn m3/ngày. Như vậy, hiện nay lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đã và đang khai thác hơn 84% lưu lượng có thể khai thác.
Các tổ chức, cá nhân có các công trình giếng khoan có chiều sâu lớn hơn 20 m, nằm trong các khu vực phải đăng ký KTNDĐ phải làm thủ tục đăng ký tại UBND cấp xã. Ảnh: TRẦN KHÁNH
Sở TN&MT đã thực hiện nhiệm vụ điều tra, phân loại lập danh mục các giếng khoan, giếng đào không sử dụng và đề xuất phương án trám lấp. Qua đó, có 13.861 giếng thuộc diện phải xử lý, trám lấp; trong đó có 7.650 giếng hỏng, giếng bị suy giảm lưu lượng, mực nước, chất lượng giếng nước không khắc phục được.
* Theo ông thực trạng này có mối liên hệ như thế nào về nhận thức vấn đề này?
- Nhìn chung, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã có những chuyển biến rõ rệt, tích cực; từng bước chấm dứt hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phép.
Từ năm 2005 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh cấp 225 giấy phép thăm dò, khai thác nước dưới đất (KTNDĐ) và 18 giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất. Sở TN&MT đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định
số 2219/QĐ-UBND, ngày 3.6.2021 về việc phê duyệt danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế KTNDĐ và khu vực phải đăng ký KTNDĐ trên địa bàn các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn và các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh (tổng cộng 104 xã). Theo quyết định này, có 74/104 xã, phường, thị trấn thuộc vùng hạn chế KTNDĐ; 103/104 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực phải đăng ký KTNDĐ.
* Vậy những đối tượng nào phải đăng ký khi KTNDĐ, thưa ông?
- Đối tượng phải đăng ký KTNDĐ là các tổ chức, cá nhân có các công trình giếng khoan có chiều sâu lớn hơn 20 m, nằm trong các khu vực phải đăng ký KTNDĐ được ban hành theo Quyết định số 2219/QĐ-UBND của UBND tỉnh, thuộc các trường hợp: Khai thác, sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tổ chức, cá nhân với quy mô không vượt quá 10 m3/ngày đêm; khai thác, sử dụng cho sinh hoạt của hộ gia đình, cho các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học; công trình giếng khoan là hệ thống gồm một hoặc nhiều giếng khoan KTNDĐ thuộc sở hữu của một tổ chức, cá nhân và có khoảng cách liền kề giữa chúng không lớn hơn 1.000 m.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân có công trình KTNDĐ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với quy mô vượt quá 10 m3/ngày đêm phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. Các trường hợp khác, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất như: Không được đưa chất bẩn vào lòng đất, trám lấp giếng hư hỏng không sử dụng, phòng tránh xâm nhập mặn.
Để đơn giản thủ tục đăng ký KTNDĐ, tạo điều kiện thuận lợi cho người đăng ký, Quyết định số 71/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định cơ quan đăng ký KTNDĐ là UBND cấp xã. Căn cứ danh mục, bản đồ khu vực phải đăng ký KTNDĐ được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2219/QĐ-UBND, UBND cấp xã thực hiện rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân có giếng khoan KTNDĐ thuộc diện phải đăng ký KTNDĐ theo địa bàn thôn, làng, khối phố, khu phố, khu vực.
* Việc áp dụng các quy định theo Quyết định số 71/2021/QĐ-UBND có ý nghĩa như thế nào đối với công tác quản lý nguồn nước dưới đất?
- Hiện tại, tỉnh Bình Định đang khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất với gần 90% tổng lượng nước cho các nhu cầu sử dụng phục vụ ăn uống, sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, tập trung chủ yếu ở trung tâm TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, các huyện, thị xã ven biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh. Các kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước cho thấy Bình Định không phải là địa phương có trữ lượng nước dưới đất dồi dào; việc sử dụng liên tục với lưu lượng lớn sẽ không đảm bảo an ninh cấp nước, trường hợp khai thác vượt quá khả năng cấp nước của tầng chứa sẽ gây suy thoái, cạn kiệt, nguy cơ nhiễm mặn tầng chứa nước.
Việc ban hành Quy định về việc đăng ký KTNDĐ và mực nước hạ thấp cho phép trong KTNDĐ trên địa bàn tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường hoạt động bảo vệ nước dưới đất, lấy phòng ngừa làm chính; gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất. Theo đó, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại các khu vực bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ bị sụt, lún đất.
* Xin cảm ơn ông!
LÊ CƯỜNG (Thực hiện)