Việt Nam là nước ASEAN đầu tư lớn nhất tại Campuchia
188 dự án đầu tư của Việt Nam còn hiệu lực tại Campuchia với tổng vốn đăng ký 2,85 tỷ USD.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc hội kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thứ tư từ phải qua) tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia. Ảnh: Hoàng Thùy
Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt hơn 8,6 tỷ USD, tăng gần 84% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam có thêm 4 dự án mới tại Campuchia với vốn đăng ký gần 90 triệu USD, gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước.
Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Khmer gốc Việt đang đầu tư tại Campuchia đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Tổng giám đốc Công ty Viettel Cambodia (Metfone) Phùng Văn Cường cho biết, sau 15 năm đầu tư tại Campuchia, công ty đã có 3.000 cán bộ, nhân viên cùng 30.000 lao động gián tiếp hợp tác kinh doanh cùng Metfone.
Metfone đã trở thành công ty viễn thông công nghệ số lớn nhất Campuchia, với 9 triệu khách hàng (chiếm 60% dân số) 50% thị phần; phủ sóng tới 95% lãnh thổ nước này, có mạng lưới rộng nhất, đồng thời là doanh nghiệp tiên phong thực hiện mục tiêu kiến tạo xã hội số cho Campuchia.
"Hiện Metfone được định giá hơn 1 tỷ USD và đóng góp ngân sách cho chính phủ Campuchia 820 triệu USD, là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất. Cùng với tài trợ và đóng góp các hoạt động xã hội lũy kế thực hiện đạt 100 triệu USD", ông Cường cho hay.
Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải với công ty con là Công ty cổ phần nông nghiệp Trường Hải (Thagrico), cho biết, ngay sau khi tiếp nhận dự án của Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2018 đã thực hiện tái cơ cấu nợ, đầu tư với tổng vốn đăng ký là 388 triệu USD.
Thagrico đã chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang trồng mới cây ăn trái chủ lực là chuối, dứa, xoài và chăn nuôi bò sinh sản; đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, lưới điện, đập chứa nước, xây dựng 24 nhà máy sơ chế đóng gói chuối, triển khai các dự án điện mặt trời, nhà ở công nhân, nhà máy sản xuất, phương tiện vận tải...
Dự kiến, năm 2021, sản lượng thu hoạch và xuất khẩu trái cây ước đạt 250.000 tấn, giá trị xuất khẩu đạt 151 triệu USD, đảm bảo việc làm cho 15.900 lao động. Dự kiến năm 2022, Thagrico tiếp tục chuyển đổi cây trồng, kết hợp chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với quy mô đầu tư khoảng 100 triệu USD và nếu chuyển đổi đồng bộ sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD, sản lượng đạt 416.000 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 500 triệu USD.
Ông cho hay, cùng với việc đầu tư, năm 2021, Thagrico đã chuyển đổi nghề nghiệp cho người Việt ở Biển Hồ đến làm việc tại các dự án với mức thu nhập từ 250 đến 350 USD một tháng, xây dựng khu nhà ở, tập trung đầy đủ tiện ích, hạ tầng.
Dù đầu tư lớn, các doanh nghiệp Việt vẫn gặp một số vướng mắc. Do đó, ông Phùng Văn Cường mong Chủ tịch nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao đổi và đề nghị Campuchia quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam có những ưu đãi về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi về hành lang pháp lý để phát triển hơn nữa.
"Tôi đề nghị phía bạn sớm bổ sung các tài nguyên tần số 4G cho Metfone tiếp tục mở rộng quy mô phát triển công ty; sớm cấp giấy phép và tần số 5G để Viettel kinh doanh tại Campuchia, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện đất nước này", ông nói.
Còn ông Trần Bá Dương kiến nghị tháo gỡ cho việc thiếu điện, khắc phục tình trạng thiếu lao động, tăng số đầu xe vận chuyển lên 700 xe, chạy thông suốt đi cả nước.
"Nếu ta làm tốt, hiệu quả ở đất nước họ, thì họ rất ủng hộ. Họ đã cho phép mình xây dựng sân bay, mua máy bay để phun thuốc cho cây. Đây là bước đột phá và chúng tôi kỳ vọng đạt xuất khẩu chuối lên 1 tỷ USD, biến nơi đây thành điểm xuất khẩu chuối lớn nhất nhì thế giới", ông nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là chủ thể hợp tác, mà còn đóng vai trò chủ động, khởi xướng, tạo động lực mới trong thương mại đầu tư, làm phong phú thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa giữa Việt Nam và Campuchia với những đóng góp quan trọng.
Ông cho biết đã đề nghị Thủ tướng Hun Sen sớm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp Việt Nam như việc thu phí 5G, các thủ tục qua biên giới, quan tâm tạo điều kiện hợp tác nói chung và doanh nghiệp Việt Nam...
Theo Hoàng Thùy (VnE)