Mô hình thuyền Định Quốc của thủy quân Tây Sơn
Tại Bảo tàng Quang Trung có trưng bày mô hình thuyền Định Quốc - một loại tàu chiến của thủy quân Tây Sơn, sách sử nhà Nguyễn gọi là thuyền Đại Hiệu (ảnh).
Trong hồi ký của mình viết về trận thủy chiến giữa quân Nguyễn Ánh và Tây Sơn vào năm 1801, Chaigneau và Barizy là các sĩ quan người Pháp trực tiếp hỗ trợ Nguyễn Ánh giáp mặt thủy quân Tây Sơn đã phải thừa nhận sự tồn tại ngoài sức tưởng tượng khi chứng kiến các chiến hạm Tây Sơn. Chaigneau là người từng chỉ huy chiếc tàu kiểu châu Âu lớn nhất trong thủy quân Nguyễn Ánh khi đó, nhưng chỉ có 32 khẩu đại bác và rất bất ngờ khi tận mắt chứng kiến tàu chiến Tây Sơn trang bị tới 50 - 60 súng đại bác cỡ lớn.
Còn Barizy kể lại rằng, thủy quân Tây Sơn khi đó do Đô đốc Võ Văn Dũng chỉ huy có ba loại tàu trang bị nhiều pháo, gồm: Loại lớn nhất có 9 tàu, mỗi tàu có 66 đại bác và 700 thủy binh; loại thứ hai có 5 tàu, mỗi tàu có 50 đại bác và 600 thủy binh; loại thứ ba có 40 tàu, mỗi tàu có 16 đại bác và 200 thủy binh. Cùng nhiều thuyền chiến, xuồng gắn pháo, tàu buồm khác gắn 1 - 3 khẩu đại bác hạng nặng ở mũi thuyền.
“Số pháo, lính trên các chiến hạm Tây Sơn tương đương với các hạng chiến hạm lớn nhất ở châu Âu đương thời. Các tàu chiến này vượt xa loại tàu mà Pháp, Bồ Đào Nha cung cấp cho Nguyễn Vương (tức Nguyễn Ánh)”, Barizy kể lại trong thư.
Theo các nhà sử học, vương triều Tây Sơn không những đạt nhiều thành tựu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, mà trình độ kỹ thuật quân sự cũng phát triển vượt bậc. Chỉ tiếc rằng, Hoàng đế Quang Trung đã sớm băng hà, vua con là Nguyễn Quang Toản kế thừa không thành công đã khiến đại nghiệp nhà Tây Sơn nhanh chóng sụp đổ dù sở hữu sức mạnh quân sự được thế giới thừa nhận.
BẢO MINH