Phòng chống dịch cho đàn vật nuôi dịp cuối năm: Ðảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết
Những ngày này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tăng cường hướng dẫn các địa phương phòng chống dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục) đang bùng phát ở một số địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp cùng với các địa phương triển khai các giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi dịp cuối năm. Trên cơ sở chỉ đạo chung từ UBND tỉnh, Sở NN&PTNT giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các địa phương triển khai tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi, tổ chức giám sát từng địa bàn, phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vật nuôi đúng cách trong tình hình thời tiết phức tạp, dịch bệnh gia tăng như hiện nay.
Người chăn nuôi ở Phù Mỹ được hỗ trợ vay vốn đầu tư tái đàn bò sau dịch bệnh viêm da nổi cục, từng bước khôi phục đàn vật nuôi. Ảnh: THU DỊU
Ghi nhận tại Hoài Ân, một trong những địa phương có đàn vật nuôi lớn của tỉnh, công tác triển khai phòng chống dịch, tái đàn dịp cuối năm đã triển khai kịp thời, hỗ trợ tốt cho người chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện thực hiện tiêm phòng 2 đợt vắc xin đạt tỷ lệ 83% trên tổng đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, tiêm vắc xin lở mồm long móng trâu bò được 19.071 con/23.090 con; vắc xin viêm da nổi cục được 18.526 con/20.486 con; vắc xin cúm gia cầm 120 nghìn con và 15.120 liều dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi tự tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm khác: 65.725 liều vắc xin cho đàn heo; 110.235 liều cho đàn gia cầm; 280 liều cho trâu bò…
Theo ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cùng với công tác tiêm phòng của ngành chức năng, người chăn nuôi trên địa bàn ngày càng ý thức cao hơn trong việc chăm sóc bảo vệ đàn vật nuôi. khi người chăn nuôi ý thức về việc bảo vệ tài sản, cùng chung tay với cơ quan chức năng, công tác phòng chống dịch đạt kết quả tốt hơn nhiều.
Cùng với đó, Hoài Ân ngày càng chú trọng việc phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước hỗ trợ người chăn nuôi chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học. “Giai đoạn 2021 - 2025, Hoài Ân tập trung vào phát triển chăn nuôi tập trung. Cụ thể, huyện quy hoạch, phát triển vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi công nghệ cao; phát triển các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh tiến đến xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh huyện Hoài Ân; tổ chức đăng ký, kê khai cơ sở chăn nuôi theo quy định; hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhất là đẩy mạnh phát triển các HTX chăn nuôi liên kết tiêu thụ; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật chăn nuôi cho người dân”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Xuân Phong cho hay.
Tương tự, hiện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX An Nhơn triển khai các giải pháp phòng chống dịch cho đàn vật nuôi dịp cuối năm. Theo ông Huỳnh Văn Thạnh, cán bộ kỹ thuật chăn nuôi thú y của Trung tâm, cùng với các giải pháp như thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm giảm nguy cơ lây bệnh, ngành chăn nuôi và thú y địa phương chú trọng vào hỗ trợ người dân chuyển đổi sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo đó, Trung tâm phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, trực tiếp xuống các hộ chăn nuôi chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; kỹ thuật xây dựng hệ thống chuồng trại và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, Trung tâm tuyên truyền để người chăn nuôi có ý thức trong việc bảo vệ đàn vật nuôi, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác tiêm phòng dịch. Hiện, tỷ lệ tiêm vắc xin cho tổng đàn vật nuôi trên địa bàn TX An Nhơn đảm bảo (80 - 85% tổng đàn).
Đến hết tháng 11.2021, toàn tỉnh có tổng đàn bò 297.753 con, tăng 0,4%; đàn heo 657.012 con, giảm 1,3%; đàn gia cầm gần 8,7 triệu con, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thực hiện các giải pháp phát triển đàn gia cầm, bò thịt chất lượng cao, chính sách hỗ trợ tái đàn heo, bò… được triển khai đạt kết quả tốt.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho hay: “Giai đoạn này người chăn nuôi ổn định đàn để phục vụ thị trường tết, do đó công tác phòng chống dịch chú trọng tối đa. Ngành Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các địa phương, cử cán bộ thú y đứng chân giám sát địa bàn, đôn đốc, phối hợp triển khai tốt công tác phòng, chống dịch; đảm bảo tái đàn hiệu quả, ổn định, tạo điều kiện người chăn nuôi hồi phục sau dịch. Tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80% tổng đàn vật nuôi”.
THU DỊU